Dù rất thích An Giang sau chuyến đi năm 2014, dù bị rừng Trà Sư hớp hồn, bị hồ Tà Pạ giữ chân, bị nét văn hóa Khmer níu kéo nhưng tôi không nghĩ sẽ có ngày quay lại. Đơn giản chỉ vì với quỹ thời gian ít ỏi và ngân sách có hạn, những vùng đất mới sẽ luôn được ưu tiên. Tuy vậy trong “tâm can” vẫn luôn thường trực một nỗi ám ảnh mang tên “sao về tận gốc của miền Tây rồi mà vẫn không được ăn cá linh, bông điên điển”.
Rồi cái gì tới cũng phải tới, vào một ngày tháng 10 năm 2018, tôi quyết định bỏ công, bỏ việc, bỏ hẹn hò trai gái, bỏ Nha Trang thân yêu mà bắt một chuyến bay 45 phút và một chuyến xe đò 5h để quay lại An Giang đúng mùa có bông có cá. Giây phút bốc đồng hứng chí chỉ vì miếng ăn vậy mà lại dẫn tôi đến nhiều miếng hay ho khác, trong đó có một miếng mang tên “Lễ hội đua bò chùa Rô“!!
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Nhắc tới đua bò người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất An Giang với Lễ Hội Đua Bò Bảy Núi – một giải đua do tỉnh An Giang tổ chức (từ năm 1992) diễn ra vào cuối tháng 08 đầu tháng 09 Âm Lịch hàng năm tại chùa Thommit (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang) nhân dịp tết Dolta của đồng bào người Khmer. Theo tục lệ vào trước mỗi vụ cấy, người Khmer thường hay mang trâu bò đến cày ruộng giúp cho chùa và họ xem đây là một niềm vinh dự. Nhưng mà nếu chỉ cày không thì lại hơi buồn, thế là họ lại mang trâu, mang bò ra đua. Dần dà trò vui nho nhỏ này lại trở thành một nét văn hóa độc đáo không thể bỏ.
Cũng cùng được tổ chức trong khoảng thời gian và mục đích đó, Lễ Hội Đua Bò Chùa Rô được hình thành. Đây là một giải do các cá nhân đứng ra tổ chức dưới sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của nhiều người. Để tiện cho các bạn tham khảo, xin phép được trích nguyên văn bài viết trên trang cá nhân về sự hình thành của Lễ Hội Đua Bò Chùa Rô An Giang của anh Huỳnh Phúc Hậu – trưởng Ban Tổ Chức:
“Năm 2015, lần đầu tiên tôi tổ chức đua bò gây quỹ, mục đích là giúp cho Sư Cả xây Chùa, ngôi chùa nghèo xây hơn 5 năm mà chưa xong. Sân đua bò cũ nằm sát bên sân hiện nay. Sân rất nhỏ, đường chạy về đích ngắn, chật chội, nguy hiểm vì không có đường thoát khi bò lao về đích. Đã có tai nạn khi bò chạy nhanh lao vào bờ tường gãy chân đôi bò vào các năm trước.
Tôi có ý tưởng phải làm 1 sân đua bò qui mô, hoàn chỉnh, từ 2 ô ruộng phiá trên sát bên tòa Chánh điện của Chùa Rô. Rất vui là Sư Cả đồng ý với ý tưởng của tôi. Chúng tôi cùng bắt tay vào thực hiện sân đua bò mới trước Tết Dolta 2016 vài tháng. Làm việc gì cũng phải tốn tiền. Chùa thì nghèo, chính quyền địa phương chỉ hộ trợ về mặt pháp lý tạo điều kiện để chúng tôi thực hiện ý tưởng… còn vào công việc cụ thể là phải có tiền mới làm được.
Lúc đầu dự kiến kinh phí khoảng 15 triệu. Người xung phong tài trợ trước 10 triệu để san ủi, nạo vét 2 ô ruộng thành 1 sân đua bò là em Thuần Võ, tôi sẽ lo số tiền còn lại. Nhưng do không lường trước địa hình, phức tạp con số chi phí mỗi ngày một tăng thêm 30 triệu, 40 triệu… đến khi sân hoàn chỉnh chi phí khoảng hơn 60 triệu (Đã được cô Chủ san lấp miễn giãm gần phân nữa) Anh em chúng tôi lo sốt vó. Nhưng đã làm quyết không dừng lại được.
Rất may mắn là chúng tôi có rất nhiều bạn bè anh em ở bên cạnh, các bạn đã ủng hộ lời kêu gọi của tôi, của Sư Cả, cùng chung tay đóng góp mỗi người một ít để cho sân đua bò hoàn chỉnh. Các bạn lại cùng nhau quyên góp kinh phí tổ chức, các giải thưởng và còn một phần để lại làm kinh phí xây dựng Chùa. Có thể nói “Sân đua bò Chùa Rô” là một phần trong những gì các bạn đã làm cho chùa Rô, cho những người dân sống quanh chùa. Các bạn đã giúp cho nhiều người biết đến Chùa Rô. Các đoàn từ thiện, các mạnh thường quân đã giúp cho Chùa và người dân xung quanh chùa rất nhiều, từ sự kiện “Lễ Hội Đua Bò Chùa Rô” tổ chức hàng năm.
Sân đua bò Chùa Rô nhỏ hơn so với sân chùa Thommit, Nhưng vẫn bảo đã độ rộng của làn đua. Độ ngập nước vùa đủ để bò có thể chạy nhanh nước bắn tung tóe, soi bóng … để có ảnh đẹp. Sân này có thể nói là view rất đẹp vì có ngôi chùa ở sát bên, phía sau có Núi Rô, núi Trà Sư và nhiều ngọn núi khác trong rặng Thất Sơn bao quanh nên góc nào cũng đẹp .
Chúng tôi được sự ủng hộ rất lớn của chính quyền địa phương, Hụyện -Tịnh Biên và Xã An Cư cho phép chúng tôi tổ chức đua bò hàng năm bằng nguồn vốn “xã hội hóa”, vừa tạo sân chơi cho anh em nhiếp ảnh, thu hút khách du lịch, vừa lưu giữ nét văn hóa dân tộc. Chúng tôi cũng giữ một sự kiện đặc biệt nhất là phục hiện lại khung cảnh “Hội cấy lúa sau khi đua bò mừng Tết Dolta “. Đây nét văn hóa dân gian độc đáo mà không nơi nào có được”
[ Huỳnh Phúc Hậu]
LỄ HỘI ĐUA BÒ CHÙA RÔ 2018
Lễ Hội Đua Bò Chùa Rô năm 2018 diễn ra vào ngày 14/ 10, trễ hơn mấy ngày so với Lễ Hội Đua Bò Bảy Núi bên chùa Thommit.
Trước khi bước vào phần đua bò thì nhà chùa sẽ đứng ra làm lễ, toàn bộ buổi lễ được thực hiện bằng tiếng Khmer nên tôi không hiểu mấy, chỉ thấy nó được diễn ra nhanh chóng trong tiếng nhạc vui tai phát ra từ các nhạc cụ truyền thống của người Khmer.
Sau khi thực hiện xong các nghi lễ cần thiết thì các cặp bò sẽ được xếp thành hàng đi một vòng quanh sân đấu để chào khán giả. Kì đua bò năm nay qui tụ được 20 đôi bò, tất cả đều là giống bò trắng xinh đẹp đặc trưng của vùng Bảy Núi (thặc ra thì có 1 cặp hơi đen đen, chắc cặp này dang nắng nhiều hơn các cặp còn lại hehe) Bọn bò này lúc bình thường thì nhìn siêu đáng yêu và hiền lành, mắt lại còn mơ mơ nhưng khi vào đường đua thì mặt vô cùng biểu cảm, kiểu rất chi là ăn thua ý. Chúng nó nhiều lúc hăng máu quá chạy muệ ra khỏi đường đua, hoặc ủi vô bờ ruộng hù khán giả, lắm lúc còn hất văng cả nài bò. Nhưng đểu cáng hơn đó là khi chúng nó không thèm đua mà đi thủng thẳng như đi chợ sáng làm khán giả cười muốn xễu!!
Nói một chút về sân đua. Như trong đoạn viết của anh Huỳnh Phúc Hậu bên trên sân đua được cải tạo từ 02 ô ruộng, nhìn từ trên cao xuống hơi bị đẹp (tham khảo hình ảnh chụp từ flycam tại đây). Tạm chia một sân đua như vậy thành 03 phần: phần bờ cao là nơi khán giả ngồi để theo dõi cuộc đua; Phần thứ hai là đường đua của các cặp bò, mỗi lượt đua phải chạy hết 02 vòng, vòng đầu gọi là vòng hô, vòng hai gọi là vòng thả và mỗi vòng đua như này có chiều dài tầm 120m; Và phần trong cùng, là nơi trọng tài ngồi, bò nào mà chạy vô cái khu này là xem như phạm luật. Mà tụi bò chạy vô khu này nhiều lắm, nó buồn là nó chạy vô hà, không ai cản được :v :v
Vòng đầu tụi bò lúc nào cũng đi cà rề cà rề như diễu hành nhìn không giống đua cho lắm nhưng trông chúng đi như vậy cũng thích mắt, rất có khí chất lễ lễ hội với khăn rằn quấn sừng và lục lạc các kiểu đeo tòng teng. Qua vòng hai thì chúng nó mới thực sự là chạy hết sức, cái này chắc là do tác động của mấy cái thanh gỗ có gắn kim nhọn mà mấy anh nài bò cầm để thúc did tụi nó. Thấy cũng tội nhưng thôi… cũng kệ vì ít ra sau khi đua xong tụi nó không bị mang ra mần thịt mà được o bế dẫn về nhà.
Năm nay đôi bò thắng cuộc là đôi bò số bao nhiêu tôi quên rồi. Chỉ nhớ là trong lúc tập dợt nài bò của đội này bị té chỏng chơ xuống ruộng lấm lem thấy thương hết sức. Lúc đó đi hổng nổi phải có người dìu lên bờ vậy mà sao sau đó thắng luôn giỏi thiệt.
Đến Lễ Hội Đua Bò Chùa Rô ngoài xem đua bò ra còn có thể xem nhiều trò vui khác như xem nhiếp ảnh gia leo cây, xem bò đi tàu vũ trụ, ăn hàng hoặc rảnh rỗi thì đi vòng vòng trong khuôn viên chùa biết đâu sẽ gặp được mấy bé gái người Khmer mặc trang phục truyền thống ngồi dệt vải làm mẫu ảnh. Tôi thì do trời nắng quá nên kiếm chỗ mát mát ngồi uống nước mía, vô tình ngồi ngay chỗ mấy bé luôn nên thành ra chụp lén được một kiểu dễ thương, Cô bé này ở ngoài siêu duyên dáng 😉
Ngoài ra buổi trưa nhà chùa còn đãi cơm (k phải cơm chay), đãi nước (nước thốt nốt) rồi còn tặng quà lưu niệm (đường thốt nốt). Nhưng tôi không bon chen được cái gì cả, vì buổi trưa bận đi ăn gà hấp trái chúc, lẩu mắm cá linh và ốc lác hấp mất zoy ahihi
HỘI CẤY
Nếu buổi sáng là thời gian của Lễ Hội Đua Bò thì buổi chiều là thời gian của Hội Cấy. Hai ô ruộng là trường đua buổi sáng giờ trở về đúng với chức năng vốn có của nó là dùng để trồng lúa. Mạ được xạ sẵn ở một mảnh ruộng khác gần đó sẽ được bọn trẻ bỏ lên xe cút kít đẩy qua bên ô trường đua. Công đoạn này khá là vui với chúng nó bởi vừa được làm, vừa được nghịch, được các cô chú thợ ảnh săn đón rồi còn được ăn nữa. Nhìn tụi nó nhớ mình hồi xưa, có điều hồi xưa không ai chụp hình mình chơi dơ như này. Uổng ghê 😈
Ngoài bọn trẻ con và các chị, các cô người Khmer thì còn có sự xuất hiện của các chú Lục. Theo phong tục của người Khmer thì các thanh niên từ 16t trở lên phải xuất gia đi tu trong chùa từ 01 đến vài năm. Nghe đồn vụ “tu tạm” này ảnh hưởng tới con đường vợ con của các chú sau này lắm, vì có tu thì gái Khmer mới để ý. Nghe hay ha 😀 giúng giúng kiểu giai Hàn mà bỏ đi bộ đội là sẽ bị cả xã hội tẩy chay ruồng bỏ ý. Mấy chú Lục này cũng ra phụ mọi người cấy lúa, màu áo cam của mấy chú siêu nổi. Trên nền ruộng đen bóng nước bùn và xanh ngắt của mạ non thì điểm thêm vài bóng áo cam vô khiến khung cảnh trở nên thật đẹp. Dù có hơi mang tính chất set up chút nhưng tôi thấy chẳng hề gì, nó vẫn phác thảo nên bức tranh văn hóa rất đặc sắc và đậm chất vùng miền, rất đáng để xem và học hỏi.
Sau khi cấy xong, nghe đồn mọi người tụ tập uống rượu và xem các cô các chị hát hò nhảy múa rất vui, nhưng tôi lại bỏ lỡ mất đoạn này vì phải chạy về cho kịp giờ check-out phòng khách sạn. 2019 có bạn nào đi thì nhớ ở lại xem từ đầu tới cuối luôn nha
Lễ Hội Đua Bò Chùa Rô không có ngày diễn ra cố định. Ngày này thay đổi hàng năm. Do đó nếu có kế hoạch tham dự thì nên follow trang Fanpage cá nhân của anh Huỳnh Phúc Hậu – trưởng ban tổ chức để biết chi tiết và chính xác nhất.
Bản quyền nội dung & hình ảnh được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức
Comments