Pakse – thủ phủ của tỉnh Champasak gần như là nơi mà bất cứ ai muốn khám phá Nam Lào đều phải đặt chân đến. Chúng tôi cũng vậy. Tuy chỉ có vỏn vẹn 01 đêm với nhau nhưng cũng đã có những câu chuyện hay ho và thú vị để kể về. Mời các bạn cùng nghe!
Nếu tra cứu trên google, các bạn sẽ thấy có hai tuyến xe được nhắc đến nhiều nhất nếu muốn vượt biên qua cửa khẩu Pờ-Y (Gia Lai) đó là Mai Linh và Diên Hồng. Trước giờ do luôn có thói quen sử dụng dịch vụ của mấy hãng lớn nên tôi nghiêng về phía Mai Linh nhiều hơn. Tuy nhiên, do khi đi mua vé không thấy Mai Linh nằm đâu nên đã vào thẳng quầy của Diên Hồng. Tại đây bọn tôi cũng nhận được một câu trả lời y chang mấy cô nhân viên ở bến xe phía nam Nha Trang đó là: mai đi thì ra xe lấy vé trả tiền luôn. Sau vài phút kì kèo, nhây qua nhây lại thì người ta cũng bán cho. Cầm trong tay 02 tấm vé với số ghế ngồi cụ thể, hai đứa chắc mẩm là ngon ăn rồi, hí ha hí hửng ra về, lòng mừng vui rộn rã. Ai dè sáng sớm hôm sau nhà xe alo báo xe bị hỏng không khởi hành được và thế là bọn tôi được gửi qua xe của…Mai Linh. Kiểu hữu duyên thì thể nào cũng gặp kaka
Hóa ra Mai Linh là cái xe chiều hôm trước đậu ngay bên hông lối ra vào của nhà khách bọn tôi ở. Sỡ dĩ không nhận ra nó là vì ngoài cái màu xanh quen thuộc thì trên xe không có bất kì dấu tích nào khác cho thấy đó là xe thuộc tập đoàn Mai Linh. Thay vào đó là logo của Viet – Lao Travel. Sau một hồi tò mò tọc mạch, tôi cũng thu thập được một số thông tin thú vị về tuyến xe này. Thực chất, nó vẫn là một phần
của tập đoàn nhưng “nấp” dưới danh nghĩa một công ty khác. Nếu bạn nào thường xuyên theo dõi các tin tức về du lịch Nha Trang hẳn còn nhớ cách đây vài năm Mai Linh có đưa vào khai thác một tuyến xe liên vận quốc tế từ Nha Trang đến Champasak – một tỉnh nằm ở phía Nam Lào và Pakse chính là thủ phủ của tỉnh này. Tuy nhiên tuyến xe hoạt động không hiệu quả nên sau đó được rút gọn lại chỉ chạy từ Gia Lai đi Pakse. Do đặc thù của tuyến đường là đèo, dốc, hiểm trở, hay phải dừng để đón thả khách dọc đường, hỗ trợ khách thồ hàng lên xe hay dỡ hàng xuống xe… nên không thể tuân thủ các chuẩn qui định của tập đoàn đưa ra. Thành thử những người quản lí dự án này đã đề xuất được tách ra hoạt động độc lập, không mang mác của Mai Linh nữa và chuyển từ dịch vụ cao cấp thành xe chợ luôn hehe. Các bạn xem ảnh thực tế của nó tại đây cho dễ hình dung ạ 😉
Sở dĩ gọi là chuyến xe bão táp là bởi vượt qua 491km ngày hôm đó quả thật không dễ dàng gì. Đường vừa đèo, vừa dốc đã đành, lại còn ngoằn ngoèo và xa. Leo vô xe ngủ, rồi tỉnh dậy, rồi lại ngủ, rồi lại tỉnh dậy mà vẫn thấy đang ở trong rừng, xung quanh cây cối la liệt. Nhiều khi, một bên là vách đá, bên còn lại là vực, nhìn rất mông lung, không biết khi mô mới tới. Đã vậy, xe còn chạy với tốc độ bàn thờ, từ trong nhìn ra cảnh vật bên ngoài cứ thấy lướt qua vun vút. Đáng lo hơn khi ở một góc cua, chúng tôi phát hiện thấy con 07 chỗ mới lật đang nằm chỏng vó, sát bên cạnh là một cái miếu thờ đã cũ, nhìn muốn hết hồn. Mà nào đã hết, khi xe còn cách Pakse cỡ hơn 60km nữa thì một tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra giữa 02 xe khách mang biển số Lào. Đã có thương vong, xe cứu thương và cảnh sát được điều động tới hiện trường, kẹt xe kéo dài hàng giờ liền. Theo lời của tài xế Mai Linh, những tai nạn nghiêm trọng thế này rất hiếm bởi đa phần người Lào chạy xe rất từ tốn và nhường nhịn nhau.
Trên đường đi ngoài việc dừng làm thủ tục hải quan, xe cũng dừng ở quán cơm Đức Lộc thuộc địa phận Lào để ăn trưa. Đây là một nhà hàng do người Việt làm chủ. Cơm trưa thì thôi rồi siêu ngon, ăn đã đời kinh khủng: thịt viên kho với dưa giá chua chua và dền cơm luộc xanh mướt, heo quay dòn da ăn kèm é quế chấm mắm nêm, rau sống tươi xanh kẹp miếng khô cá chiên dòn hết xẩy, ngoài ra còn đĩa bò xào chua ngọt hấp dẫn và tô gà nấu lá giang nghi ngút khói. Một bàn sáu người mà ăn hoài không có hết. Phải chi đi xe đò nào cũng có cơm canh ngon lành nóng hổi vậy thì đỡ biết bao nhiêu hí hí. Mà tiền ăn không kèm trong tiền vé, bọn tôi phải trả thêm mỗi người 15.000kips. Cái giá quá hợp lí cho một bữa cơm ngon. Ưng 😀
Đâu đó trên mạng người ta suggest nếu đến Pakse hãy ở Sabaiy Hostel nằm ở đường số 13 trong khu phố Tây – khu phố sầm uất nhất nơi này. Tin, nên tôi cứ chăm chăm vào nó mà chẳng màng tìm kiếm đâu xa, xuống xe bus là đi cái rẹt tới nơi dù chưa hề đặt phòng hay liên hệ trước, nghĩ lại thấy khùng dễ sợ. Nhưng vậy còn đỡ, màn nói chiện chào sân của tôi và tên lễ tân kiêm quản lí của cái hostel này còn khùng hơn. Tự dưng không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà tôi mở mồm hỏi nó bằng tiếng mẹ đẻ là “Anh nói được tiếng Việt không”. Nhìn mắt nó trợn tròn ngơ ngác kiêm ngạc nhiên, buồn cười các kiểu, tôi thực chỉ muốn đội quần. Chắc tại cũng bởi trên mạng bảo nhiều người ở Pakse nói được tiếng Việt nên đâm ra bị ỷ y. Hoặc cũng có thể vì đang quýnh quáng cần một người vừa hiểu được tụi tôi vừa hiểu được người Lào để có thể ra xử lí thằng nhóc con lái tuk tuk vì nó đòi charge hơn gấp đôi số tiền đã thỏa thuận ở bến xe, nên đâm ra bị liệu. Cuối cùng sau khi nghe kể lể sự tình, tên lễ tân đứng giữa, vừa muốn giúp khách vừa không muốn lật bài đồng bào nên đưa ra cái giá ở giữa cái giá thằng giặc kia đòi. Dù vẫn cao hơn giá đã thỏa thuận nhưng vì đã quá mệch lại không muốn đôi co, chúng tôi miễn cưỡng đồng ý giả 50.000kips/ 02 người rồi tiễn khách. Chưa gì đã gặp cô hồn ngay ngày đầu gặp mặt, thiệt xui!!!
Để review về Sabaidy Hostel 2 thì tôi có thể liệt kê ra đây vài cái gạch đầu dòng cơ bản để mọi người tham khảo:
- Thứ nhất, nó là Hostel nhiều bảng nội qui nhất mà tôi từng gặp, nội qui được treo/ dán e-vờ-ri-que. Kiểu như: “Tụi tui không cho phép mang rượu mạnh như Whisky hay Laobao vào uống ở Sabaidy, chỉ cho uống bia Lào, rượu vang hoặc các thức uống có cồn nhẹ”; hay “Dịch vụ của tụi tui đóng cửa lúc nửa đêm, nên làm ơn trở về phòng trước 24h. Nếu không tụi bây có khả năng sẽ phải ngủ ở ngoài. Còn nữa, sau 24h thì nhớ giữ im lặng tôn trọng các khách khác” …. blah….blah….Nói chung nhìn dzất buồn cười nhưng cũng hay hay.
- Thứ hai, nó là chỗ ở có lễ tân nói tiếng Anh tốt nhất ở Lào mà tôi biết. Lúc đầu, tôi thấy cái tên già không già, trẻ không trẻ, có bộ râu dê dưới càm mặt đểu đểu, tác phòng từ tà từ từ đó nói tiếng Anh như vậy cũng là bình thường, như mấy bạn lễ tân ở Nha Trang thôi, không có gì để tán thưởng. Nhưng mà đi hết một vòng mới thấy người Lào, dù làm trong ngành du lịch cũng không mấy ai nói trơn tru rõ ràng và tốt được như hắn ta.
- Thứ ba, dịch vụ book tour ở đây cũng rất đa dạng, giá cả cũng ok. So sánh với thông tin về các tour ở Pakse tôi đã xem trên mạng, thì Sabaidy có gần như đủ cả: tour đi cao nguyên Bolaven Pleteau một ngày, tour đi thăm đền Wat Phu và làng Saphai một ngày; vé đi Xứ sở 4000 đảo… thậm chí còn có vài tour trekking và cưỡi voi rất hay ho khác.
Ngoài những điểm trên ra thì phòng ốc tại đây cũng chỉ bình thường (xem ảnh thực tế tại đây), không có gì nổi bật. Được cái có thêm khoảnh sân rộng đủ để đậu cả xe hơi lẫn xe máy, một cái vườn con con với hoa thơm bướm lượn, cá lội tung tăng và mấy bộ bàn ghế gỗ dành cho thực khách ngồi nhẩn nha ăn sáng. Nếu như chọn including breakfast thì bữa sáng sẽ có breakfast A (trị giá 25.000kips bao gồm bánh mì kiểu Pháp homemade kèm trứng chiên) hoặc breakfast B (trị giá 20.000kips bao gồm bánh mì kiểu Pháp homemade và bơ mứt) Hai khẩu phần này đều kèm theo nước uống là một tách trà (hoặc café) và một ly nước cam. Sau khi trải qua một ngày dài thượt lượt trên xe bus thì buổi sáng đầu tiên ở Lào vô cùng sảng khoái, no bụng và thỏa mãn 😀
Tôi ăn Lạp lần đầu tiên vào buổi tối đầu tiên ở Lào và sau đó ăn thêm nhiều lần nữa nhưng chẳng nơi nào khiến tôi thích thú bằng nhà hàng Sabaidee Pakse tọa lạc cũng trên con phố số 13. Đây là nhà hàng được đánh giá 04 sao trên Tripadvisor nhưng lúc đó tôi không hề biết. Lựa chọn rẽ vào quán chỉ vì nó khá thoáng mát với hai mặt tiền, có khách nhưng không quá đông, nhìn tương đối dễ chịu.
Cô nàng phục vụ có làn da đen giòn chào chúng tôi bằng một nụ cười bẽn lẽn nhưng rất duyên rồi đưa ra hai quyển menu đầy ắp những món ăn lạ lẫm. Dù vậy tôi cũng không quá bối rối vì đã định hình được mình cần phải gọi gì, và đó chính là Lạp: Lạp bò cho tôi và Lạp cá cho Linh. Bò được băm nhỏ xào chung với giá đỗ, hành tây, lá chanh, riềng, xã băm, tỏi xắt lát và nêm lá húng dũi. Món này được trang trí với dưa leo, ớt đỏ nguyên trái và đậu đũa sống. Lạp bò có vị chua chua dễ ăn và theo cảm nhận của tôi là ngon, trừ cái màn nhai đậu đũa sống thì tôi chịu. Lạp cá của Linh được làm từ cá sông nhìn cũng rất hấp dẫn, thịt được giẻ ra từng miếng trắng tươi trước khi xào, tuy nhiên nó không có vị chua như lạp bò mà lại có vị hơi mặn, Linh không thích lắm. Lạp ăn kèm với xôi rất ngon nên các bạn có thể order thêm để ăn chung. Mỗi phần xôi như vậy sẽ được đựng trong một cái giỏ tre hình trụ tròn. Do xôi ăn no lâu và nhanh ngán hơn cơm nên lời khuyên của mình là nếu đi 02 người, chỉ nên order 01 phần xôi, sau khi ăn xong thấy vẫn đói thì hãy order tiếp. Với cả như các bạn đã thấy trong mô tả bên trên, Lạp được nấu từ rất nhiều thành phần có mùi khá nồng, nên nếu bạn nào không chịu được thì cũng sẽ cảm thấy khó ăn.
Vậy đó, để đến được điểm dừng chân đầu tiên trên đất nước Lào không biết đã phải vượt qua bao nhiêu km đường quốc lộ, tỉnh lộ, bao nhiêu đèo, bao nhiêu dốc, bao nhiêu trạm dừng chân và bao nhiêu nguy hiểm (Đó là còn chưa kể bị cái màn bị hành ở cửa khẩu với mấy anh hải quan) Chỉ biết rằng cảm giác lúc được ngồi đường hoàng giữa Sabaidee Pakse Restaurant, ăn món Lạp Bò thần thánh và hút cạn một hơi li nước ép thơm mới thấy thực sự rất vui mừng. Mừng vì đã vượt qua được những trở ngại đầu tiên, mừng vì dù Làos welcome mình khá tệ bằng một vụ overcharge tiền tuk tuk nhưng tôi đã không để chuyện không vui đó làm ảnh hưởng đến tinh thần. Chấp nhận đi là chấp nhận những hành trình không hoàn hảo. Nhưng chỉ cần đón nhận chúng với một thái độ cầu tiến và lạc quan thì mọi chuyện sẽ rất nhẹ nhàng. Cứ tỏa ra năng lượng tích cực, rồi những điều may mắn sẽ đến. Tôi tin vậy…
ΔΔΔ Một số lưu ý và kinh nghiệm du lịch Pakse ghi nhận được:
– Từ bến xe ở Pakse mà Mai Linh đỗ về đến trung tâm tầm 06km, đi tuk tuk khoảng 10 – 15p, giá vào khoảng 40.000 kips/ 02 người/ ban đêm. Đi ban ngày giá sẽ rẻ hơn;
– Khi nói đường số 13 thì tài xế tuk tuk không biết là đường nào, nhưng nói tên hostel thì biết;
– Đừng quên lấy tất cả các bản đồ miễn phí mà nhà nghỉ cung cấp, đôi khi nó còn đáng tin hơn cả GG Map.
– Đổi tiền ở Pakse tỉ giá cao hơn ở cửa khẩu và Luang Phrabang – Xem thêm tại đây
– Xem bảng giá phòng của Sabaidy Hostel 02 tại đây
– Xem bảng giá menu ăn sáng của Sabaidy Hostel 02 tại đây
– Xem bảng giá các tuyến xe bus khởi hành từ Paske tại đây (chỉ mang tính chất tham khảo, không nên tin hoàn toàn)
Ảnh & bài: Phương Đỗ
Comments