Kể ra cũng chẳng phải thể loại được đi nhiều, chẳng dạn dĩ, cũng chẳng dám xông pha. Nhưng ít ra, cũng dám đi để biết ngoài kia có gì…
2014, lần đầu sử dụng Passport. Và dĩ nhiên miền Nam Campuchia thời điểm đó là một sự lựa chọn hoàn hảo với biển đảo Koh Rong đẹp đến ngỡ ngàng và hương vị thơm ngon của dĩa cua biển sốt tiêu vẫn còn miên man nơi đầu lưỡi. Những con đường đèn vàng hiu hắt dọc bờ sông Kambot, tiếng nhạc đều đều phát ra từ những quán bar dành cho dân Tây balo. Chai bia lạnh trong tay, tấm đệm vải còn ẩm và có mùi đặt vừa vặn trên những chiếc ghế Papasan tròn lẳng.
09 năm sau, đã sử dụng Passport thêm được nhiều lần. Và thủ đô Phnom Penh được lựa chọn như một định mệnh dù trước đó kế hoạch đi Siem Riep cùng vài điểm ở phía Bắc đã được lên kế hoạch hoàn chỉnh.
Và rồi chắc sẽ còn lâu lắm mới quên được cảm giác vừa hồi hộp, vừa lo sợ khi lần đầu được tự lái ATV chạy trên con đường quốc lộ, băng qua những cây cầu và đón hoàng hôn rực rỡ đang xuống trên con đường làng đầy bụi đất.
Là thứ cảm giác vui vẻ, tò mò kèm chút ăn thua khi đặt chân vào con đường “bài bạc” ở NagarWorld. Sau 02 đêm, không những không cần gọi về Việt Nam nhờ người sang chuộc mà còn vẻ vang thắng 40$ để mang về.
Những chuyến du hành dọc bờ sông Mekong vào một buổi chiều nắng cháy da để đến với ngôi làng dệt lụa của những người phụ nữ góa chồng, nghe thứ tiếng Anh trôi chảy, êm ru của cậu em HDV vừa học vừa làm để lấy kinh nghiệm.
Lê lết khắp các khu ăn chơi đàm đúm, uống biaa ở phố đèn đỏ, nghe không khí “gái gú” rần rần “in the air”. Máu me hơn là chạy xe nửa vòng thành phố chỉ để xem bằng được trận đấu võ Kun Khmer kinh điển
Và còn nhiều, nhiều lắm những thứ cảm xúc khó tả trong những ngày ở Penh…
Du Lịch Phnom Penh Tự Túc
Lịch trình 06 ngày 05 đêm tại Phnom Penh
Đây là một lịch trình thong thả, hoặc rất thong thả. Kịp thì chơi, không kịp thì…mai chơi tiếp. Và cũng có thể gọi đây là một lịch trình già, hoặc rất già. Chơi mệt thì về khách sạn nghỉ, chờ hết mệt rồi lại chơi.
- Ngày 01: Sáng khởi hành từ Sài Gòn đến Phnom Penh và nghỉ ngơi tại khách sạn – Tối khám phá Bassac Street;
- Ngày 02: Ăn trưa và shopping tại Central market – Chiều lái ATV đón hoàng hôn – Tối đi ăn, dạo phố và ngắm cung điện Hoàng Gia về đêm;
- Ngày 03: Ăn trưa tại quán ăn của người địa phương – Chiều thăm chùa Watt Phnom – Tối xem đấu võ Kum Khmer;
- Ngày 04: Ăn trưa tại một nhà hàng Việt Nam – Xế đi tour Silk Island – Tối đi chợ đêm và uống bia ở phố đèn đỏ;
- Ngày 05: Ăn trưa tại khách sạn và khởi hành đi trung tâm cứu hộ động vật hoang dã – Tối ăn hải sản vỉa hè của người địa phương – Đi Casino NagarWorld quánh bài (thật ra đêm ngày 01 đã quánh một chập rồi)
- Ngày 06: Báo quá nên bị đuổi về!!
** Đối với các bạn di chuyển từ Nha Trang như Phương thì sẽ dùng xe đêm cho cả lượt đi lượt về nhé. Lên xe 10h tối, 5h sáng đến nơi.
Mọi người lưu ý là trong lịch trình du lịch Phnom Penh tự túc của Phương các buổi sáng hầu như bị bỏ trống vì sáng nào cũng 9h mới lò mò dậy, không khác gì mấy so với lúc ở nhà. Lịch trình này cũng không thiên về việc viếng thăm các công trình kiến trúc đền đài hay tôn giáo mà thiên về trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống và con người ở Penh nhiều hơn.
Thủ Tục Nhập Cảnh Campuchia
Sài Gòn cách Phnom Penh chỉ có 227km, bằng một nửa khoảng cách Sài Gòn đi Nha Trang. Do đó, phương tiện tiết kiệm và lý tưởng nhất để du lịch Phnom Penh tự túc chính là xe bus.
Hiện nay xe rất nhiều, cứ 30 phút hay 60 phut là có một chuyến. Xe Phương chọn là Khải Nam bus, chuyên vận chuyển người và hàng hóa 02 chiều ở tuyến này. Xe không quá mới, wifi hỏng nhưng nhân viên ổn, dịch vụ không có gì phàn nàn. Vé đã bao gồm 01 bữa ăn, nước uống (1 chai) và khăn lạnh. Thanh toán linh hoạt, đặt vé qua website được. Đi xong về còn có email cảm ơn và hỏi feedback.
Một cái lợi nữa khi đi các tuyến xe này là khi đến cửa khẩu được làm thủ tục xuất nhập cảnh theo đoàn. Nhanh, gọn và không phát sinh chi phí. Đặc biệt đối với những ai mới xuất cảnh lần đầu thì sẽ không bị quá bỡ ngỡ vì nhà xe sẽ hỗ trợ từ A tới Z. Chỉ cần làm theo hường dẫn là được.
Du lịch Phnom Penh tự túc từ Sài Gòn thì thường sẽ xuất cảnh ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh – Việt Nam) và nhập cảnh ở cửa khẩu Bavet (Svay Rieng – Campuchia). Thủ tục đơn giản, chỉ cần Passport còn hạn trên 06 tháng đối với công dân Việt Nam. Đi tự túc thì vào lane số 01 ở Mộc Bài, xuất cảnh thành công thì tiến về cửa khẩu Bavet lăn vân tay và chụp ảnh ở quầy nhập cảnh và nhận Immigration Card nữa là ổn. Nhớ là phải giữ thẻ này cho cẩn thận tới lúc ra khỏi Campuchia.
Khi tự làm thủ tục hải quan thì tại Mộc Bài sẽ có nhiều dịch vụ cò chở qua khẩu cho đỡ nắng với chi phí 100k/ người. Cái này không cần thiết vì quãng đường cũng không quá xa. Và khi làm thủ tục tự túc thì sẽ có thêm phí và phí bao nhiêu thì cứ đi sẽ biết chớ kể ra cũng sợ 😈
Các loại tiền Campuchia
Ở khu vực cửa khẩu du khách Việt Nam xài tiền Việt vô tư. Ở đây người Việt kinh doanh, buôn bán rất nhiều. Hàng quán, dịch vụ đề bảng tên tiếng Việt cũng không ít. Việc đang đứng trên đất Cam mà ăn được một tô phở kiểu Bắc cũng không có gì là lạ.
Vào sâu bên trong thì có thể dùng tiền Riel Cam của đồng Đô Mỹ đều hợp pháp. Campuchia cho phép cả người dân và du khách sử dụng song song cả hai đồng tiền này. Một điều thú vị là không những cho dùng tiền mặt mà còn cho sử dụng cả trong chuyển khoản liên ngân hàng. Trường hợp nếu bạn không đủ thời gian để đổi từ VND sang USD trước khi đi thì ở PhnomPenh vẫn có những điểm thu đổi tiền Việt sang 02 đồng tiền kia. Để dễ nhẩm thì cứ tính 5000VND = 1000 Riel cho lẹ.
Ở Campuchia ngoài sử dụng tiền mặt ra thì scan mã QR của ngân hàng ABA rất phổ biến. Hầu như bất kỳ chiếc xe tuktuk hay hàng quán nào, dù là vỉa hè cũng chấp nhận trả qua ABA nên cực kỳ tiện lợi. Tuy nhiên để sử dụng được dịch vụ này thì bạn cần phải có một…tài khoản ngân hàng ở Campuchia =)))
Giao Thông ở Campuchia
Giao thông ở Cambuchia khá giống với Lào. Xe máy không nhiều, chủ yếu là các dòng scooter nhỏ nhắn xinh xắn trong khi xe số rất ít, còn lại là các loại xe tay côn. Người dân khi chạy xe hoặc sẽ đội mũ bảo hiểm full face hoặc không đội.
Còn lại là xe ô tô và tuktuk. Ô tô ở đây rẻ hơn so với Việt Nam nên đường phố nhìn rất sang vì toàn xe xịn. Gì chứ Hummer, G63, Lambor…chạy ngoài đường không thiếu. Các dòng bán tải cũng rất được ưa chuộng. Bán tải bên này ngoài chở người bên trong xe thì cũng cho phép chở người ở thùng xe phía sau luôn. Nhìn rất chất chơi nhưng cũng hơi nguy hiểm.
Tuktuk thì có 02 dạng. Một dạng có kiểu dáng như xe lam và dạng còn lại giống như xe lôi (xe máy móc vào một “cabin” có người ngồi). Trong mấy ngày ở Phnom Penh Phương di chuyển 95% bằng tuktuk, trừ khi đi xa thì thuê ô tô có người lái. Một chiếc tuktuk ngồi được 03 đứa ròm ròm, phí rẻ, nên đi đông thì cứ tuktuk hết ga hết số cho khỏe, mưa đỡ tới mặt, nắng đỡ tới đầu. Nắng Campuchia mà chạy xe máy cũng mợt mỏi lắm, không hạp với người già đi chơi như Phương. Và sung sướng nhất là bật Grab lên đặt tuktuk, đỡ trả giá đau đầu, lại khum lo hớ (lưu ý khi xe tới thì nên check số xe xem trùng với xe đặt trên App không rồi hãy leo lên).
Ăn Gì ở Phnom Penh
Nói về ăn trước đi. Vị thì đồ Cam nó khá tương đồng với đồ Thái và lai đồ Việt cũng không ít (nhất là ra chợ thấy bánh xèo miền Tây, cuốn, chè, bún mắm…là chuyện bình thường). Cái này chắc cũng không có gì lạ vì lịch sử có dính dáng tới nhau và cộng đồng người Việt ở bên đây cũng nhiều. Vậy nên đi Campuchia là cứ thoải mái, không sợ đói đâu.
Nếu hỏi Phương về thiên đường đồ ăn khi du lịch Phnom Penh tự túc thì chỉ có một chữ thôi: CHỢ. Central Market, Russian Market, chợ đêm…chợ nào cũng được. Cứ ra đó là ti tỉ thứ đồ ăn. Lạc lối, no say, nhẹ ví. Cật lực suggest. Hai khu chợ mà Phương chọn là Central Market đi buổi ngày và chợ đêm gần bờ sông. Chợ đêm ở Phnom Penh có cái trò trải chiếu ngồi ăn cực kì hay ho. Cứ gọi là mê tít mù 😈
Ngoài ra Phương cũng ăn uống ở một số hàng quán bên dưới. Ổn áp, không bị sụp hố hay bàn chông gì hết nà:
- Khmer Women’s Food (38E0z. đường 178, Phnom Penh): cửa hàng nhỏ của một cô người Cam có thể nói chút chút tiếng Việt. Nấu hơi lâu vì khách gọi mới bắt đầu làm. Quán có mùi rất đặc trưng của việc nấu nướng chiên xào lâu ngày. Tuy nhiên thức ăn rất đáng để chờ đợi, vị ngon tuyệt lại trình bày cẩn thận chỉn chu. Quan trọng là giá cũng rẻ nữa, trung bình 4$ – 5$/ món mà làm thôi. Quán sát khu ăn chơi Bassac Street, ăn xong qua nhậu luôn là vừa.
- Khmer Surin (8e0, Street St 57, Phnom Penh): một nhà hàng 03 tầng, to, đẹp lộng lẫy và thu hút. Bên trong được decor trang nhã và thức ăn cũng khá ngon. Giá từ 4$ – 10$/ món. Xung quanh nhà hàng này là khu ẩm thực ăn uống, nên cũng nhiều sự lựa chọn.
- Sok Lang Food Shop (18 Preah Ang Makhak Vann St.178, Phnom Penh): gần cung điện Hoàng Gia và bán cả ngày. Giá mềm, cứ 1$ với 2$ mà quất thôi. Tới đây là phải ăn bánh hẹ chiên Kochay, và một loại mì xào tên là Lort Cha nha (chọn loại thập cẩm đủ thứ ấy). Cái mì vàng xào (yellow noodle) mình bỏ qua cũng được nếu đi ít người.
- Eleven One Kitchen (37, Street 123 corner 460, Sangkat Toul Tompong I, Khan Chamkarmorn , Phnom Penh) có bán đồ Tây lẫn đồ Khmer. Phương thử đồ Tây, khá ngon và chỉn chu. Nhà hàng này có ship tận nơi, dịch vụ nhanh ngọn lẹ, chuyên nghiệp. Ship tới nơi đồ ăn còn nóng sốt luôn. Menu thì thì cứ tìm tên nhà hàng trên Facebook sẽ có.
- Nhà hàng Gánh (Preah Norodom Blvd (41), Chip Mong Noro Mall): nhà hàng món Việt. Trang trí đẹp, đồ ăn ngon, giá không rẻ nhưng hợp lý. Có bún, nem cuốn, bánh hỏi, chả giò, chả cá…đúng vị Việt. Có điều sao gọi bún mắm nêm mà mang ra mắm nước không biết. Nhà hàng này nằm trên tầng 04 của trung tâm thương mại Chip Mong
- Dizz BBQ (Street 327 Phnom Penh Cambodia, Phnom Penh) Mặc dù ăn xong bị trúng thực nhưng vẫn dẩu mỏ lên khen vì hải sản rất ngon và nấu rất chi vừa miệng. Cá nướng giấy bạc và miếng xào tôm cực kì xuất sắc. Giá cũng mềm, toàn người Cam ngồi ăn. Quán vỉa hè mà nấu nướng xịn sò vô cùng. Nhớ đi sớm, bán nhanh hết lắm. Tầm 6, 7h ăn là vừa rồi đó.
Còn nói về uống thì ở Phnom Penh bán dừa everywhere, dù xung quanh không thấy cây dừa nào hết. Dừa thì là dừa bung hoặc dừa lửa (ở Việt Nam chắc sắp tuyệt chủng rồi), trái nào trái nấy to chảng, uống lòi é. Chưa khi nào uống hết nổi một trái. Vậy nên ai gọi dừa thì cứ 2 người 1 trái cho nó tiết kiệm.
Ai mê bia nhớ thử bia Angkor, bia Anchor, bia Cambodia, và Hanuman. Đây đều là 04 nhãn bia của người Cam. Uống khá ngon và cũng không đắt đỏ gì. 02 nơi ngồi uống bia ngon thì phải kể đến con phố ăn chơi Bassac và phố đèn đỏ 136
Chơi Gì Ở Phnom Penh
Du lịch Phnom Penh tự túc và 12 trải nghiệm không thể bỏ lỡ của Phương:
1. Phố Bassac (Bassac street) thiên đường bar bọt tiệc tùng mỗi đêm, nhất là vào cuối tuần. Ăn hay uống đều phủ phê ngập mặt. Party animal nhất định không được bỏ qua.
2. Phố đèn đỏ 316: phố đèn đỏ là 01 khu kết hợp của nhiều con đường, trong đó đường 316 là đường đông vui nhất với lực lượng chị em hùng hậu nhất.
3. Lái ATV ngắm hoàng hôn. Một trải nghiệm cực kì tuyệt vời và cũng quá trời quá đất. Nhiều pha gây cấn hồi hộp xỉu (35$/ người)
4. Đi thuyền trên sông Mekong khám phá hòn đảo mang tên Silk Island – nơi đang bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa thủ công của những phụ nữ góa chồng (33$/ người)
5. Ghé thăm cung điện Hoàng Gia trong một đêm cuối tuần để biết thế nào gọi là “rực rỡ”
6. Shopping và ăn uống tại chợ ngày và cả chợ đêm để hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương nơi đây.
7. Dành một buổi chiều thăm đền Watt Phnom – ngôi đền duy nhất nằm trên đồi tại thủ đô Phnom Penh (vé vào cổng 1$/ người)
8. Chạy nửa vòng thành phố đến xem trực tiếp một trận đấu võ Kun Khmer truyền thống của người Cam. Thường diễn ra trong 02 ngày cuối tuần, cực kì mãn nhãn (vào cổng miễn phí)
9. Ghé thăm khu cứu hộ động vật hoang dã nằm cách Phnom Penh 60km. Nó như một sở thú nằm trong rừng, một số loài hiền lành còn được thả rong. Giàu hơn thì mua tour trọn gói để được biết qui trình cứu hộ, chăm sóc thú hoang dã như thế nào. 120$, hơi nhèo xèn nên chưa dám mua.(vé vào cổng 5$/ người + thuê ô tô riêng)
10. Đi Casino quánh bài mấy má ơi. Đi Cam mà không thử quánh bài cho biết thì uổng quá. Nhưng quánh chơi thôi chứ đừng có ăn quánh ăn thua, kẻo không còn quần mà về. Tại Phnom Penh thì có duy nhất 02 cái thôi là NargarWorld 1 và NagarWorld 2.
11. Dạo bộ ở khu bờ sông vào buổi chiều và cho bồ câu ăn. Bồ câu ở đây bay như ruồi, đông đen và dạn lắm. Dọa cũng không bay và con nào cũng béo.
12. Trải nghiệm một buổi chiều ngắm hoàng hôn Phnom Penh từ Rooftop của một tòa nhà cao tầng bất kỳ nào đó
Chuẩn Bị Gì Trước Khi Đi
Đi đâu xa xôi khó khăn thì viết dài chứ du lịch Phnom Penh tự túc thì đơn giản:
1. Giấy tờ tùy thân: Passport còn hạn sử dụng trên 06 tháng, CCCD phòng hờ (nên có thêm mỗi thứ 1 bản mềm trong điện thoại/ email phòng trường hợp cần dùng)
2. Tiền/ thẻ thanh toán quốc tế: cái này không mang thì nghỉ xài.
3. Điện thoại/ thiết bị điện tử + đồ sạc
Mùa mưa Campuchia thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10. Còn lại là mùa khô. Phương đi đầu tháng 11 là cuối mùa mưa, đầu mùa khô nên ngày nắng, đêm thi thoảng có mưa. Tùy thời điểm đi cũng như lịch trình thì các bạn xếp tư trang. Đặc biệt nếu đi nhiều đến các đền, chùa hay cung điện của nước bạn thì quần áo cần lịch sự và phù hợp. Tháng 04 sẽ có Tết cổ truyền Chaul Chnam Thmey (cùng thời điểm với Lễ Hội Té Nước) và tháng 11 sẽ có Lễ hội đua thuyền, các bạn có thể cân nhắc thêm.
Comments