Từ Sài Gòn đi Phnom Penh còn gần hơn đi Đà Lạt. Vậy nên lướt Google đa phần chỉ thấy du lịch Phnom Penh 2n1d, 3n2d, cao lắm là 4n3d. Chứ mà du lịch Phnom Penh 6n5d như Phương thì hình như chưa thấy qua 😳 

Pha nhập cảnh mất thời gian của du khách bị mất não

Viết hướng dẫn thì khuyên đi thẳng từ Sài Gòn sang Phnom Penh nhưng thực tế thì ghé Tây Ninh ở một ngày một đêm la cà. Vậy nên hôm sau một mình lóc cóc bắt xe ôm đi từ bến xe chạy lên cửa khẩu. Lúc đó thì chẳng nghĩ ngợi mấy, nhưng đi được nửa đường thì tự dưng cũng rén ngang. Này là khu vực biên giới, lại đồng không mông quạnh, lẽ ra nên đi phương tiện gì đó an toàn hơn chút. May mà cuối cùng cũng an toàn tới nơi tới chốn mà không sứt mẻ gì.

Tiện thể cũng nói một chút về Tây Ninh. Tỉnh này có đường biên giới giáp với 03 tỉnh của Campuchia và vì thế nó có tận 16 cái cửa khẩu. Trong đó có 03 cửa khẩu Quốc Tế là Mộc Bài, Xa Mát và Tân Nam. Trong thời gian tới sẽ nâng cấp thêm cửa khẩu Chàng Riệc thành cửa khẩu Quốc Tế. Đối với du khách thì hầu như sẽ đi cửa khẩu Mộc Bài, riêng giao thương buôn bán thì có vẻ dùng cửa khẩu Xa Mát nhiều hơn. Từ bến xe Tây Ninh có xe bus đi Xa Mát nhưng chuyến xe đi Mộc Bài thì đã bị dẹp do quá ế.

Một buổi chiều bên dòng Mekong ở thủ đô Phnom Penh

Vừa bước xuống khỏi xe ôm thì rơi vào tay của cò cửa khẩu. Các anh hỏi em đi đâu đới, hãy để anh chở em qua bên kia biên giới vì đường thì xa, ba lô em lại nặng thế kia tha đi làm sao nổi dưới cái nắng này. Xui cho anh là cửa khẩu này em vốn đi một lần rồi nên thôi để em tự vác thân em đi tiết kiệm 100 ngàn bạc.

Ở khu vực xuất cảnh cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) thì có 03 làn, trong đó làn số 2 là làn dành cho khách VIP, làn số 3 dành cho khách đoàn. Còn lại làn số 01 là dành cho khách lẻ. Lúc này là tầm 11h trưa, làn số 01 xếp cũng khá dài nhưng thủ tục nhanh gọn nên chờ đợi cũng không mấy lâu. Đi Campuchia thì chẳng cần Visa nên mang Passport còn hạn trên 06 tháng là được.

Immigration Card - Thẻ nhập cảnh

Qua khỏi Mộc Bài lại xốc ba lô lên hướng về phía cửa khẩu Bavet (thuộc tỉnh Svay Rieng) của phía Campuchia. Chui vào bên trong thấy quầy nhập cảnh trống nên cứ tranh thủ. Trình Passport kèm phí nhập cảnh, sau đó đợi hải quan kiểm tra rồi tiến hành lăn tay, chụp hình. Xong xuôi sẽ được trả lại hộ chiếu kèm 01 tờ Immigration Card – Dịch nôm na là thẻ nhập cảnh. Dù trong mấy ngày ở Campuchia hầu như không xài tới cái thẻ này nhưng nghe nói nó rất quan trọng, phải giữ cho kỹ vì lượt về nhỡ đâu bị hỏi mà không có là sẽ bị phạt tiền.

Sau khi qua khỏi quầy thủ tục nhập cảnh thì tiến đến quầy cuối cùng đóng phí dịch tễ 20k nữa là hoàn thành phi vụ vượt biên, cứ hiên ngang tiến về đất Cam là được. Tuy nhiên đó là về mặt lý thuyết. Trên thực tế, bằng một sự lỏng não và mất phương hướng nào đó, sau khi ra khỏi quầy dịch tễ thì Phương lại…quay ngược về phía Việt Nam thay vì đi thẳng ra cổng của phía Cam.

Hình này chụp lúc đã về tới Phnom Penh nên có vẻ tươi

Sau khi lội bộ một hồi thì bắt đầu thấy cái gì đó sai sai khi 04 chữ “cửa khẩu Mộc Bài” đập vô mắt lần nữa. Nhưng nắng nóng, và cái balo cỡ chục kg làm cho đầu óc bị sảng không suy nghĩ được gì. Đang lơ ngơ ú ớ thì bị hải quan gọi lại. Sau khi kiểm tra giấy tờ, hải quan nhìn Phương như kiểu “con bé này bị ngáo rồi”. Sau đó từ tốn chỉ tay về phía bên kia và nói “thấy mấy cây cọ kia không? Campuchia ở bên đó, sao đi nhập cảnh ngược về Việt Nam chi vậy”. Ta nói nó quê không để đâu cho hết 😥 

Đó, pha vượt biên lượt đi tào lao bí đao như vậy đó, khùng điên ba trợn gì đâu. Tới giờ ngồi nghĩ lại vẫn không hiểu bằng cách nào mà đi ngược ngạo như vậy được. Lượt về đi xe chạy thẳng PhnomPenh – Sài Gòn, nhà xe lo gần hết thủ tục nên đỡ ngáo hơn.

Noden Hotel & Apartment

Về tới Phnom Penh thì cũng xế chiều. Sau khi check-in thì tranh thủ lăn ra… ngủ. Nói không phải khoe chứ kỳ này đi đúng kiểu thong thả của người già. Cứ mệt là nghỉ, hết mệt thì lại đi. Kịp thì chơi, không kịp hôm sau chơi tiếp. Vậy nên mới có chuyện người ta đi PhnomPenh hai ba ngày, mình thì ở lì gần một tuần mới vác xác về.

Noden Hotel & Apartment
Hồ bơi trên tầng 29 của tòa nhà nhìn thẳng ra sông Mekong

Chiều đó tự cho phép bản thân rảnh rang nên leo lên tầng cao nhất của tòa nhà bơi và ngắm cảnh. Tòa nhà này nằm trong con một con đường nhỏ yên tĩnh ngay phía sau Sở Nội Vụ. Cái mái cong cong kiểu cọ mà mọi người thấy trong hình là nó đó, chứ không phải chùa chiền gì đâu.

Từ tầng 29 của tòa nhà có thể nhìn thấy một phần của sông Mekong chia đôi thủ đô Phnom Penh làm 02 nửa. Cũng có thể nhìn thấy cây cầu Sài Gòn nằm trên đại lộ Monivong. Cầu này thực ra có tên là Chba Om Pau, còn tên cầu Sài Gòn là do những người Việt sống ở đây tự đặt và lưu hành với nhau.

phnompenh ở đâu
khách sạn phnompenh

Và cũng trong buổi chiều hôm đó, Phương phát hiện hoàng hôn PhnomPenh vô cùng đẹp. Có lẽ cũng chính vì thế mà một trong những trải nghiệm người ta thường không thể bỏ lỡ khi đến thành phố này đó là ngắm hoàng hôn. Có thể từ Rooftop của một tòa nhà cao tầng nào đó, hoặc từ boong của một con tàu đang trôi trên dòng Mekong. Còn Phương thì đã kịp chọn cho mình một trải nghiệm khác có phần gay cấn hơn, đó là lái xe địa hình.

Nói một chút về Noden Hotel & Apartment. Đây là khu khách sạn (chuẩn 03 sao) kiêm căn hộ cao cấp được thiết kế theo phong cách hiện đại. Khách ở đây đa phần là khách thuê dài hạn. Về mặt dịch vụ thì không có gì để phàn nàn, mọi thứ có thể nói là hoàn hảo trừ việc nước nóng hơi yếu.

Căn của Phương có ban công view thành phố và nhìn ra phía xa là sông Mê Kông. Nó như một căn hộ có đủ phòng khách, bếp, phòng ngủ, và đặc biệt là phòng tắm riêng biệt với bồn tắm nằm. Trang bị sẵn một số đồ dùng nhà bếp đơn giản, lò nướng, tủ lạnh, máy giặt, TV, máy lạnh. Lên xuống thang máy bằng thẻ từ. Nói chung nhờ ở trong một nơi thoải mái vậy mà ăn ngủ phè phỡn đến mặp thây và không bị đuối sức.

Quán ăn gia đình ấm cúng Khmer Women’s Food

Nơi đầu tiên chọn để ăn tối trong những ngày du lịch tự túc Phnom Penh là một quán ăn gia đình có tên là Khmer Women’s Food. Chủ là một cô đã lớn tuổi có vẻ ngoài cực kì dễ mến. Trước quán của cô ở một vị trí khác, nhưng dịch Covid ập tới khiến cô phải đóng cửa và dời về mở ngay trong nhà mình. Tính tới thời điểm Phương ghé thì cô mới mở lại được 05 tháng.

khmer women's food

Quán có vẻ ngoài như một căn nhà ở bình thường. Biển hiệu cũng rất khiêm tốn và chẳng có gì nổi bật. Khi bước vào trong sẽ có một mùi đặc trưng rất khó tả, có thể là mùi của những bức tường đã cũ hoặc mùi dầu mỡ khi nấu nướng chiên xào ám vào.

Thức ăn phục vụ khá lâu vì chỉ khi khách yêu cầu thì bếp mới bắt đầu đỏ lửa. Tuy vậy việc ngồi đợi chẳng mang lại chút khó chịu nào vì cảm giác lúc đó vốn dĩ đang rất vui vẻ. Phần vì cuộc hành trình ăn chơi trên đất Cam chỉ mới bắt đầu nên khí thế vẫn hừng hực, phần vì vô tình phát hiện quán ăn này nằm sát ngay Bassac Street – con phố ăn chơi phủ đầy những nhà hàng, quán bar san sát nhau. Mà gì chứ ăn chơi, bar bủng là sở thích, thú vui và cũng là chuyên ngành của Phương trước giờ.

cá hấp amok campuchia
khmer women food phnompenh
Món cà ri Campuchia

Chờ đợi, trong một số trường hợp, không phải là hạnh phúc, nhưng chờ đợi thức ăn ở Khmer Women’s Food thì quả thực rất đáng giá. Thức ăn nóng sốt, nấu nướng vừa vặn, trình bày chỉn chu và đẹp mắt không thua bất kỳ nhà hàng hạng sang nào. Thức ăn được mang ra vượt quá sự kì vọng của Phương dành cho một quán ăn gia đình nhỏ như ở đây.

Còn về việc nó có chuẩn vị truyền thống của Khmer Food hay không thì Phương thật sự không bận tâm lắm, và cũng không đủ khả năng để bận tâm. Hết bữa ăn thấy sạch dĩa, hài lòng, thỏa mãn, thế là được. Nhân tiện thì thực đơn có vài món kiểu Việt và cô chủ nói được một ít tiếng Việt nữa đó 😈

Khmer Women’s Food
Địa chỉ: 38E0z. đường 178, Phnom Penh

Bassac Street - con phố của những bữa tiệc tùng

Ăn tối xong lẽ dĩ nhiên không thể đi về ngủ. Đêm ở Phnom Penh còn dài và Bassac Street thì vô cùng mời gọi. Vậy nên Phương quyết định đi…..Casino quánh bài trước. Không phải vì đam mê đỏ đen cơ mà sau khi ăn quá nhiều cơm thì việc tiếp tục đi uống bia là một chuyện tương đối quá sức. Vậy nên đã quyết định chuyển hướng đi bộ sang NagarWorld gần đó trải nghiệm xí đỉnh cảm giác của người giàu. Sau khi lượn lờ một hồi và thua mất 10$ thì chính thức quay lại Bassac Street để quẩy. Còn phi vụ đánh bài sẽ kể chi tiết sau 😈 

Bassac Street phnompenh
Ảnh chụp Bassac Street 7h tối. Lúc này còn tương đối ít người

Nói một cách dễ hiểu thì Bassac Street như kiểu con phố Tây. Nó được chặn xe ở hai đầu để mọi người có thể đi bộ, ăn uống, và nhậu nhẹt tẹt ga. 100% các mặt bằng ở con phố đều được sử dụng làm quán bar hoặc nhà hàng. Dù con phố khá ngắn nhưng chỉ cần tới đây thôi thì dù đồ Tây, đồ Tàu, đồ Khmer, bia, rượu, cocktail trên trời dưới biển gì cũng sẽ có.

Xung quanh con phố chính còn có một số hẻm nhỏ cũng có hàng quán tương tự nhưng xe sẽ được phép lưu thông. Nếu đi vào những ngày cuối tuần thì tầm sau 10h sẽ đặc biệt náo nhiệt. Nhạc lên, những cô nàng nóng bỏng lắc lư theo tiếng nhạc trong một quán bar phong cách latin. Mấy anh ca sĩ đang hát những bài hát quốc tế mà ai ai cũng biết để khuấy động chương trình. Ở một số quán khác mấy anh Tây lớn tuổi hơn đang ngồi thong thả uống từng cốc bia lớn. Vài nơi thì khói mờ khói mịt, đánh hơi thấy có mùi cần cỏ, chắc có ai đó đang bay :mrgreen: 

Giá cả ở khu này cũng không hề đắt đỏ. Thức ăn trung bình cứ 4$ – 5$/ món. Bia bọt giá cũng nhẹ nhàng. Sau khi lượn một hồi chán chê thì do trời đổ mưa nên tạt đại vào một quán rộng nhất và phong cách giống….quán nhậu Việt Nam nhất để tiếp tục ăn và uống bia sương sương chứ sau một ngày dài di chuyển cũng hết hơi để quẩy như dự định. Và mọi người biết uống bia ở Cam sướng nhất vụ gì không, đó là không cần đồ khui. Giật nắp một phát kêu cái póc là được. Mãi đỉnh 😈 

Nói chung ngày đầu ở Phnom Penh như vậy là trôi qua tương đối tốt đẹp trừ pha nhập cảnh lỏng não hổng giống ai. Nhưng qua ngày thứ hai thì đảm bảo là giống :mrgreen: 

TAGS