Sri Lanka – đảo quốc hình giọt lệ giữa Ấn Độ Dương được nằm trong rất nhiều bảng xếp hạng top những quốc gia dành cho dân du lịch bụi (backpackers) với mức phí sinh hoạt rẻ, thủ tục xin visa dễ dàng và nhất là dù nhỏ bé, nhưng nó sở hữu cho mình đến 08 Di Sản Thế Giới được Unesco công nhận (trong đó có 06 Di Sản Văn Hóa và 02 Di Sản Thiên Nhiên) – ngang bằng với Việt Nam. Ngoài ra nó còn được xem là Thánh Địa Phật Giáo, nơi còn lưu giữ nhiều thánh tích của Phật để lại. Và khi nhắc tới Sri Lanka người ta cũng không thể quên cuộc nội chiến kéo dài suốt 06 năm giữa Chính Phủ và nhóm Những Con Hổ Giải Phóng Tami – Liberation Tigers of Tamil Eelam; Trận sóng thần do động đất trên Ấn Độ Dương tháng 12 năm 2004 đã làm chết hơn 30 ngàn người và buộc 1,5 triệu người phải sơ tán. Ngày nay, người ta nói nhiều về Sri Lanka như một đất nước đầy tiềm năng đang trên đà phát triển, một xứ sở ngát hương và nức tiếng với những đồi trà bạt ngàn – nơi trồng và xuất khẩu đi khắp thế giới loại trà đen – black tea hảo hạng, nơi có tới 26 công viên quốc gia là những khu bảo tồn động thực vật nổi tiếng thế giới; quê hương của Stilt Fishing, những bảo tháp Stupa khổng lồ và những con voi Châu Á hiền lành tuyệt đẹp.muoi-ngay-trai-nghiem-sri-lanka-nhatrang-review

Nghĩ rằng mình sẽ đi Lào để tắm nude ở Vang Viêng và lội suối ở Kuang Si nhưng số phận đưa đẩy thế nào thành ra lại chui tọt qua tận Sri Lanka để ngắm voi, thăm Phật. Cuộc đời đúng là chẳng biết được đâu mà ngờ, nhưng cứ tin là một cánh cửa này khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra, nhiều khi còn huy hoàng và lộng lẫy hơn cái cũ. Thế nên cứ để tùy duyên… 😉

Đổi lịch ăn chơi khá chớp nhoáng nhưng cũng không vì thế mà công tác chuẩn bị gặp nhiều khó khăn. Bù lại, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía và nhất là anh Google nên mọi sự đều trót lọt. Để có được một chuyến trải nghiệm Sri Lanka an toàn, hợp lí và vui vẻ thì mình chú trọng tìm kiếm những thông tin về tình hình chính trị, xã hội, văn hóa, hệ thống giao thông, tiền tệ, tôn giáo…, thông tin về các hãng bay và thủ tục nhập cảnh, lên lịch trình chi tiết từng điểm dừng chân trong chuyến hành trình. Những thông tin này cực quan trọng vì nó giúp mình dễ hòa nhập với cuộc sống của người dân bản địa, cũng như có thể tránh được những rắc rối không đáng có. Và trên hết nó sẽ giúp cho ra được một bảng dự trù kinh phí khá chuẩn để biết tiền trong ngân sách có đủ cho chuyến đi hay không.

#Visa và thủ tục nhập cảnh

Đầu tiên xin nói về Visa và thủ tục nhập cảnh. Để được nhập cảnh vào Sri Lanka, các bạn phảicó ETA (Electronic Travel Authorization) –một dạng giấy thông hành ngắn ngày dành cho khách du lịch do Sở Nhập Cư và Di Cư Sri Lanka (Department of Immigration and Emigration Sri Lanka) cấp. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng trên thực tế thì khá dễ. Chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào form và nộp trực tuyến cùng với lệ phí 35$ cho 30 ngày lưu trú là ok. Chi tiết như sau:

– Các bạn cần chuẩn bị các thông tin sau để điền vào form bao gồm: số Passport, ngày cấp và ngày hết hạn; thời gian dự kiến đến Sri Lanka; thông tin chuyến bay; địa chỉ khách sạn hoặc căn hộ trong thời gian bạn lưu trú tại đây.
– Truy cập và nộp đơn xin cấp ETA trực tuyến tại địa chỉ http://www.eta.gov.lk/slvisa
– Chọn ngôn ngữ – select language English;
– Chọn nộp đơn – apply (một cửa sổ mới sẽ hiện ra);
– Chọn đồng ý – I agree;
– Chọn loại ETA bạn muốn: ETA dành cho mục đích du lịch – Tourist ETA, dành cho mục đích công việc – Business Purpose ETA, hay quá cảnh – Transit ETA. Trong mỗi mục này đều có 03 mục nhỏ là cá nhân – individual, nhóm – group hoặc bên thứ ba – third party. Mình đi 01 mình nên chọn Tourist ETA – Apply for an individual.
– Điền các thông tin cần thiết vào form mẫu.
– Trả phí bằng thẻ thanh toán quốc tế (trường hợp của mình mình là 35$ cho 30 ngày lưu trú)

tự túc visa đi sri lanka - nộp visa online - eta

Sau khi chi trả thành công, bạn sẽ nhận được một email thông báo rằng họ đã nhận được đơn đăng kí và sẽ có phản hồi trong vòng 24 giờ tới. Nếu đơn đăng kí xin cấp ETA  được chấp thuận, bạn sẽ nhận tiếp một email xác nhận ETA Approval Notice với các thông cá nhân và mã ETA (ETA Number). Có được ETA thì in ra, xuống máy bay thì trình cho hải quan sân bay khi bạn nhập cảnh cùng với Passport là ok. 

Trên thực tế bạn sẽ chẳng cần đến 24h để nhận được ETA, sau khi gửi đơn và nộp tiền xong 15 phút sau bạn sẽ có ngay cái approval letter rất nhanh, gọn, lẹ 🙂 Thích cực ý. Trên trang đăng kí mà mình chia sẻ bên trên các bạn cũng có thể tìm thấy biểu phí dành cho các loại ETA khác nhau, tại đây họ cũng có lưu ý là việc chi trả có thể được thực hiện ngay tại sân bay quốc tế Bandaranaike (như bạn của mình, làm thủ tục xin cấp ETA và trả phí ngay tại sân bay, không cần nộp đơn online trước. Mình thì sợ lỡ có vấn đề gì, nên cứ nộp trước cho chắc ăn)

Thêm một lưu ý là khi điền form ETA họ sẽ cần thông tin chuyến bay và thông tin khách sạn, vậy nên hãy tiến hành mua vé máy bay trước rồi hãy apply ETA. Đối với khách sạn thì cứ kiếm đại một địa chỉ nào đó từ các trang web booking.com hay agoda.com rồi điền vào là ok.

#Vé máy bay

Hiện nay chưa có đường bay thẳng đến Sri Lanka từ Việt Nam mà phải quá cảnh (transit) tại Bangkok (Thái Lan), Singapore (Singapore) hoặc Kuala Lumpur (Malaysia) tùy từng hãng hàng không. Các hãng bay khai thác đường bay này hiện gồm có Air Asia, Thai Airways, Malaysia Airlines, China Eatern, Sri Lanka Airlines, Cathay Pacific, Singapore Airlines, Malindo Air… Để không phải tốn thời gian chạy lòng vòng từng hãng, mình truy cập vào website trung gian www.skyscanner.com, tại đây tập trung tất cả các chuyến bay của các hãng với đầy đủ các thông tin cần thiết. Sử dụng công cụ tìm kiếm chuyến bay bằng skyscanner khá nhanh và hiệu quả.

đồng phục tiếp viên Malindo air - vé máy bay đi Sri lanka
Đồng phục tiếp viên Malindo Air (nguồn:Malindo Air FB)

Trong số các hãng bay thì nổi lên 02 hãng đó là Air Asia thần thánh (bạn này thì ai cũng biết nhỉ) và Malindo Air (một hãng hàng không giá rẻ của Malaysia). Hai hãng này có vé giá thấp nhất và nhiều khung giờ bay, tuy nhiên dịch vụ của Malindo Air nhỉnh hơn Air Asia một bậc vì vé bao gồm cả thức ăn, nước uống, 30kg hành lí kí gửi và 07 kg xách tay. Quá đã!!! Thế là hốt luôn dù chặng đi phải transit gần 10h ở Luala Lumpur. Một số thông tin cần chú ý khi mua vé máy bay như sau:

– Nên kiểm tra chính xác ngày bay, nhầm một phát là khóc tiếng Mán
– Chọn chuyến bay có thời gian phù hợp với lịch trình đã đưa ra
– Đọc kỹ các thông tin về chuyến bay được cung cấp trước khi book (số lượng điểm dừng, thời gian dừng, thời gian bay, vé do hãng nào cung cấp, ngày đi, ngày đến, giờ đi, giờ đến, số hiệu chuyến bay…)
– Lưu ý là các thông tin về thời gian được niêm yết là giờ địa phương (local time) toàn tập
– Nếu thẻ thanh toán của bạn được mở dựa trên tài khoản tiền Việt mà hãng bay bắt thanh toán bằng USD thì bạn sẽ bị charge thêm khoảng 1,6% phí gọi là phí chuyển đổi ngoại tệ (mỗi ngân hàng có một biểu phí riêng). Nếu hãng bay chấp nhận thanh toán bằng tiền Việt hoặc thẻ của bạn là tài khoản USD thì đỡ.
– Sau khi chi trả thành công bạn sẽ nhận được email xác nhận Itinerary Confirmation. Mình thì in mấy cái xác nhận này ra, mang đến sân bay, vào quầy của Malindo đưa cho nhân viên của họ cùng với Passport rồi nhận vé là xong.
– Lưu ý khi mua vé thì điền thông tin email cho đúng vì họ sẽ gửi mọi confirmation hay thông tin về việc hoãn bay hay lùi thời gian bay vào địa chỉ mail này.

** Đối với các bạn đi từ Nha Trang như mình thì mình có vài chia sẻ như sau: Mình chọn phương án di chuyển từ Nha Trang đi Sài Gòn bằng xe bus đêm để tiết kiệm thời gian và chi phí. Nguyên ngày mình vẫn làm việc bình thường, tối ung dung lên xe, ngủ một giấc, sáng sớm tới nơi, vừa đủ thời gian ăn sáng rồi ra sân bay trước 02h để làm thủ tục. Mình làm một bảng tính ngược để canh thời gian mua vé xe bus như sau:

– Chuyến bay của mình cất cánh lúc 10h sáng, nên mình phải có mặt ở Tân Sơn Nhất lúc 8h
– Trừ 60p cho việc di chuyển từ bến xe ra sân bay và ăn sáng ra thì mình sẽ phải có mặt ở SG từ lúc 7h.
– Xe bus từ Nha Trang đi Sài Gòn sẽ mất trung bình 8h. Nghĩa là để có mặt ở SG lúc 7h sáng hôm sau thì mình phải đi chuyến trước 11h đêm hôm trước. Cái này thì quá dễ vì xe đi SG rất nhiều, do đó mình có nhiều sự lựa chọn.
– Để chắc ăn (vì ai biết lỡ đâu kẹt xe hay gì đó) mình chọn đi luôn chuyến 8h tối của Sinh Cafe.

Nói thêm về các hãng bus. Hiện nay các xe đi quận 01 đều không được phép dừng, đỗ, nhận khách, trả khách và rước khách ở tuyến đường Đề Thám và Phạm Ngũ Lão nữa nên họ đã có phương án thay thế. Cụ thể từng hãng xe thế nào thì các bạn liên hệ với họ để có thêm thông tin. Riêng mình, mình sẽ review về Sinh Cafe và Phương Trang, vì mình sử dụng dịch vụ của 02 hãng này:

Sinh Cafe: Giá vé 159.000vnđ, khá rẻ cho một chuyến xe kéo dài 08h đồng hồ. Xe đời mới, sạch, không có mùi, free wifi. Khi mua vé bạn sẽ có một tờ giấy xác nhận bỏ trong phong bì (nên kiểm tra mọi thông tin trước khi rời quầy). Đến ngày đi, bạn ra bến xe trước 30p, vào bàn check-in, nhân viên sẽ đổi giấy xác nhận này thành vé và dán thẻ hành lí cho balo, hay vali gửi dưới hầm xe cho bạn. Rồi cứ thế ung dung lên xe. Mình đi chuyến xe sớm và đến SG tầm 4h30 hay 5h sáng gì đó, lúc này công an chưa làm việc nên xe dừng ở Đề Thám (Nếu trễ hơn thì xe có thể dừng ở khu gần chợ Bến Thành, mình nghe nói vậy chứ không chắc). Đặc điểm của xe Sinh Cafe là không dừng đón hoặc trả khách dọc đường (trừ việc dừng ở trạm Phan Thiết để đón khách của nó), không chạy ngã 23/10 – Thành mà chạy đường Bãi Dài, trên xe đa phần là khách du lịch).

Phương Trang: Giá vé 210.000đ khá đắt nêú  so với hãng trên. Mình chọn để đi lượt về vì Phương Trang có trả khách dọc đường và đi tuyến Thành – 23/10 để vào trung tâm thành phố (nhà mình nằm trên trục đường này nên tiện). Book vé qua điện thoại và được dặn phải đến văn phòng  ở Đề Thám trước giờ khởi hành 60p để đi xe trung chuyển ra bến xe Miền Tây, xe lớn tập kết hết ở đấy. Xe Phương Trang dịch vụ cũng tốt, nhân viên ok và xe cũng có wifi phục vụ khách.

Ngoài các xe về quận 01 ra thì bạn cũng có thể đi các xe về bến xe miền Đông rồi từ đó đi thẳng ra sân bay. Tuy nhiên mình vẫn muốn đi về quận 01 vì ở cuối công viên 23/09 có một bến xe buýt – là điểm dừng và đỗ của xe buýt sân bay mới nhất hiện nay ở Sài Gòn – xe 109 màu vàng. Xe đời mới máy lạnh, nhân viên thân thiện và có khả năng sử dụng tiếng Anh. Xe này chạy thẳng ra ga quốc tế luôn nên thuận tiện cực kì. Đã nhất là giá vé chỉ có 20.000đ cho toàn chặng mà thôi vì đang được trợ giá.

xe buyt san bay tan son nhat - se bus 109
Xe bus 109 – xe bus sân bay Tân Sơn Nhất ( nguồn: Kenh14.vn)

Lộ trình xe buýt sân bay 109 như sau:

– Lượt đi: Sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc tế) – sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc nội) – Trường Sơn – Trần Quốc Hoàn – Vòng xoay Lăng Cha Cả – Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyển Đình Chiểu – Cách mạng Tháng Tám – Phạm Hồng Thái – Lê Lai – Vòng xoay Bến Thành – Trạm Bến Thành – Phạm Ngũ Lão – Công viên 23/9

– Lượt về: Công viên 23/9 – Lê Lai – Vòng xoay Bến Thành – Phạm Ngũ Lão – Yersin – Trần Hưng Đạo – Trạm Bến Thành – Lê Lợi – Pasteur – Võ Thị Sáu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi – Phan Đình Giót – Trường Sơn – sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc nội) – Trường Sơn – sân bay Tân Sơn Nhất (ga quốc tế).

#Lên lịch trình

Tùy vào sở thích, quỹ thời gian và các mục đích cá nhân mà mỗi người sẽ chọn cho mình một lịch trình khác nhau. Mình chia các địa điểm du lịch và trải nghiệm ở Sri Lanka ra làm 02 mục (1) là dành cho các bạn yêu thích thiên nhiên và (2) là dành cho các bạn muốn tìm hiểu và nghiên cứu về Phật giáo. Mình thì thiên về mục (1) hơn nhưng cũng không muốn bỏ qua những đền đài nổi tiếng thế giới và cũng là những di sản được Unesco công nhận nên mình “mix” cả 02 cái lại, tuy nhiên phần nhiều trong lịch trình của mình vẫn là cảnh quan thiên nhiên. Mời các bạn tham khảo:

Map-Final
Các điểm đến trong hành trình 10 ngày tại Sri Lanka

Colombo: thủ đô của Sri Lanka
Galle: Thị trấn Hà Lan xưa với Galle Fort kì vĩ
Udawalawe: Công viên quốc gia nổi tiếng với Jeep Tour
Ella: cầu 09 nhịp và Mini Adam’s Peak
Nuwara Eliya: Thị trấn trà huyền thoại
Kandy: thành phố lớn thứ hai Sri Lanka với chùa Răng Phật
Dambula: thành phố của Cave Temple được Unesco công nhận là di sản thế giời từ năm 1991
Kalpitiya: Kite Surfing site đang nổi nằm ở Puttalam – Tây Bắc Sri Lanka

Mình sẽ tường thuật chi tiết chuyến đi, cách đi, giá cả của từng điểm tham quan ở phần sau, cũng như liệt kê một số địa điểm thú vị khác để các bạn có thể cân nhắc khi lên lịch trình riêng cho mình.

#Công tác chuẩn bị trước chuyến đi

Đổi tiền: Bạn không thể mua đồng Rupee ở VN vì nó được liệt vào dạng “ngoại tệ lạ” nên đơn giản nhất là mua USD rồi sang Sri Lanka đổi Bạn có thể đổi ngay ở sân bay quốc tế Bandaranaike nhưng chỉ đổi một ít thôi vì tỉ giá thấp, không có lợi, chỉ đổi đủ để trả tiền ăn và di chuyển từ sân bay đến Colombo là được. Phần còn lại tới Colombo hãy đổi sau. Mua USD ở Việt Nam hiện nay khá dễ do nhà nước đang nới lỏng chính sách mua bán trao đổi ngoại tệ, nên chỉ cần mang bản sao booking vé máy bay đi Sri Lanka và in ETA mà bạn được cấp từ email ra, cùng với Passport đến ngân hàng là sẽ mua được tối đa 5000 USD. Mình giao dịch tại ngân hàng Techcombank Nha Trang, chi Nhánh 38-40 Thống Nhất, mọi thứ đều thuận lợi và nhanh chóng. Nhân viên dễ thương và nhiệt tình. Sau khi điền form và đợi khoảng 15p mình đã mua được 400USD – tương ứng với số tiền mà mình dự trù. Phần còn lại mình để tiền trong thẻ thanh toán quốc tế phòng trường hợp tiêu tiêu hết tiền mặt. Lưu ý rằng ngân hàng chỉ bán USD cho bạn trong vòng 03 ngày trước khi bay. 

Mang gì khi đi Sri Lanka: Khí hậu bên đó nắng và nóng hơn Việt Nam nên tuyến mồ hôi của bạn sẽ hoạt động hết công suất, thế nên đừng quên xịt khử mùi. Quần áo thì mang vừa đủ là ok, nếu lười thì mang ít thôi, chịu khó giặt hàng ngày để mặc lại cũng được vì bên này phơi đồ siêu nhanh khô. Mang theo gel chống muỗi và gel rửa tay, một ít thuốc dành cho các bệnh thường gặp, băng dán y tế… (bạn mình ngay ngày đầu đã bị say nắng và uống mất 02 viên đau đầu của mình hehe). Mang theo mũ và khăn choàng vì ở đồng bằng nóng như điên nhưng lên vùng cao thì lạnh kinh khủng. Khăn choàng còn phát huy tác dụng khi bạn đi chùa vì có thể dùng như áo khoác để che chắn các chỗ “nhạy cảm” và mũ còn giúp bạn tránh khỏi “bom phân” của lũ quạ đen. Mang ít nhất 01 chiếc quần dài/ váy dài qua gối không xẻ tà để đi chùa, thêm một đôi tất nữa thì càng tốt. Kính mát và kem chống nắng là những thứ không thể thiếu. Mang theo đèn pin mini để phòng trường hợp điện thoại hết pin và không thể chiếu sáng. Sandal dễ chịu nhất, nhưng giày thể thao là lí tưởng nhất, cái này tùy bạn lựa chọn. Đừng quên mang theo 01 bộ đồ bơi vì biển ở khu vực phía Nam rất đẹp. Ngoài ra còn phải chuẩn bị 01 con smartphone để search thông tin và Google Map mọi lúc mọi nơi.

Đóng gói hành lí: Hành lí xách tay có thể mang chất lỏng, nhưng mỗi lọ như vậy không được quá 100ml và không được quá 1000ml/ 01 kiện hành lí. Nếu bạn đi Malindo Air giống mình thì cứ gom hết quần áo, mỹ phẩm, thuốc men… vào 1 balo và cho đi kí gửi hết cho khỏe. Đỡ phải mang vác nhiều lúc chờ transit. Hành lí xách tay chỉ cần mang máy ảnh, máy tính nếu có, Passport, tiền, thẻ thanh toán và các giấy tờ tùy thân khác là được.

Giấy tờ mang theo: Mang Passport, booking máy bay, Visa… Mỗi thứ này in thành 02 bản sao, mỗi bộ giấy tờ như này cất một nơi khác nhau, bộ chính thì mang theo bên người. Thủ sẵn 02 hình dùng để làm Passport phòng trường hợp bị mất cần làm lại. Ghi nhớ thông tin, địa chỉ đại sứ quán VN tại Sri Lanka để nhờ hỗ trợ nếu gặp bất trắc. 

– Ngoài ra nên dành thời gian lên mạng kiếm video nói tiếng anh của người Sri Lanka hoặc người Ấn để tập nghe dần cho quen, không thì thảm lắm. Nhân tiện nhớ học thuộc tên các địa điểm bạn muốn đi, để khi hỏi đường trình bày cho trôi chảy thì người ta mới hiểu. Mình lưu ý vậy bởi vì tên các thành phố bên này khá dài và khó nhớ

#Kinh nghiệm chung khi du lịch Sri Lanka

– Giá tuk tuk ở Colombo vào khoảng 50 rupee/ 01 km cứ thế mà nhân lên để trả giá. Trong trường hợp bạn kiếm được xe có đồng hồ công tơ mét điện tử thì nó sẽ tự nhảy. Ở những thành phố du lịch như Ella, Nuwara Eliya, Kandy… thì giá có thể đắt hơn. Một chiếc tuk tuk có thể ngồi được cỡ 03 đứa VN size trung bình, tính ra ngon lành cành đào hơn xe ôm nhiều. Chưa kể còn có hệ thống loa nghe nhạc ì chéo, có mái che mưa, che nắng được luôn. Quá ổn !!!

xe-tuk-tuk-sri-lanka-nhatrangreview– Vé xe bus dành cho dân bản địa và khách du lịch là như nhau, tùy theo lộ trình xa hay gần của bạn sẽ có mức vé khác nhau tương tự như ở VN. Cần nói cho tài xế và phụ xe biết nơi bạn muốn xuống và ngỏ ý nhờ họ báo cho bạn biết khi nào tới nơi. Giá vé bus thường thì siêu rẻ, đi không cần lăn tăn luôn. Ngoài ra còn có xe bus nhanh có gắn máy lạnh, vé đắt hơn một tẹo nhưng so với VN thì vẫn còn rẻ 😉 Nếu ra bến xe buýt mà không biết xe nào với xe nào thì có thể hỏi bất kì ai từ cảnh sát, người bán hàng rong, lơ xe, phụ xe… ai cũng sẽ nhiệt tình giúp bạn một cách rất vô tư.
– Vé tàu hỏa không thể đặt trước mà phải mua trực tiếp ở nhà ga, không có số ghế ngồi. Ghế trên tàu hỏa có nhiều hạng và vừa có tàu nhanh, vừa có tàu thường. Tàu thường nếu bạn muốn chụp ảnh thì toa hạng 02 là ok nhất, vừa có ghế ngồi thoải mái, vừa có cửa sổ nhìn ra cảnh bên ngoài.
– Nếu có ai chào mời bạn sử dụng dịch vụ gì của họ thì bạn có thể lắng nghe nếu có thời gian và quan tâm. Sau đó nếu cảm thấy không ok thì có thể từ chối lịch sự. Đa phần người dân Sri Lanka khá lành tính và dễ chịu.
– Trừ siêu thị và shopping mall – nơi giá giá cả được cố định ra thì bạn nên nhớ trả giá khi mua bất cứ hàng hóa ở bất cứ đâu từ chợ trời đến cửa sang trọng. Nếu không biết chắc nên trả bao nhiêu cho vừa thì cứ trả một khoản nào mà bạn thấy hài lòng là được vì giá mọi thứ cứ trên trời dưới bể.
– Nếu mua trà bình thường làm quà thì hãy ghé siêu thị mà mua. Còn ở các tea house hay quầy lưu niệm, khu trưng bày… giá cả khá đắt đỏ, đôi khi đắt gấp đôi. Nếu mua ở những nơi ấy thì hãy mua những loại đặc biệt – cái mà siêu thị bình dân không có.
– Ngoài trà, bạn có thể mua các loại hương liệu, gia vị ở chợ, trong các khu vườn gia vị, siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Ngoài ra ở Sri Lanka có một loại xà phòng có màu xanh lá cây có mùi thơm từ cây sả và chanh rất đặc biệt. Đây là thứ rẻ tiền nhất nhưng khiến mình thích nhất trong số những thứ đã mua. Dùng để tặng làm quà, bỏ tủ quần áo hay tắm đều thơm cả, như thể vừa bước từ spa ra. Ngoài ra nó còn có kem đánh răng thảo dược có tên là Suvirivicky được làm từ hồi và quế cùng nhiều loại thảo mộc khác rất đặc biệt. Những thứ này đều có ở các siêu thị, mua về dùng rất thích.
– Thuế bên này khá đắt và được tính cho tất cả các dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng đến tiệm cà phê nên các bạn đừng ngạc nhiên khi hóa đơn ra cao hơn dự tính hehe
– Bạn nào dễ ăn thì chắc không sao, riêng mình thì chịu, không ăn được nhiều đồ ăn Sri Lanka. Thứ mình enjoy nhất là nước dừa (giá từ 50-100 rupee) tùy kích cỡ và độ già non. Nhưng đa phần trên phố họ sẽ bán dừa non giá 50 rupee. Tên của loại dừa này là King Coconut có vỏ màu vàng rực và được bán khắp mọi nơi
– Người dân 98% là hiền lành và thân thiện. Nhưng ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu nên bạn cũng nên cẩn thận. Mình đã bị lấy mất 300 rupee tiền thối khi đi tuk tuk ở Kandy.
– Đi đền, chùa phải mặc áo có tay, quần/ váy dài qua gối, không xẻ tà và không được quá mỏng nếu không sẽ bị từ chối cho vào. Thường khi đi chùa bạn sẽ phải bỏ dép ở ngoài và đi bằng chân đất nên nhớ mang theo 01 đôi vớ để đề phòng vì đi chân trần trên nền đá dưới cái nóng trên 35 độ thì không thoải mái lắm đâu.

cuoc-song-va-con-nguoi-sri-lanka-nhatrang-review-1– Khi chụp ảnh nhớ hạn chế việc quay lưng, chồng mông vào các tượng phật, ở một số nơi bạn sẽ bị nhắc nhở nếu như làm điều này.
– Nếu bạn thấy những cửa hiệu có tên là Food City thì nhớ đó là siêu thị chớ hơm phải nhà hàng ha 😉
– Nam giới Sri Lanka sẽ nhìn chằm chặp vào bạn như thể tỉ năm rồi chưa thấy gái. Nhưng cứ kệ đi ha, friendly thì cứ nhìn lại rồi cười cái rồi đi là được hehe
– Mức sống ở Sri Lanka thấp hơn ở VN nên các bạn có chi phí thấp hãy cứ vô tư mà đi.
– Sri Lanka phù hợp cho những bạn nào chịu được cực khổ, nắng nóng, yêu thích thiên nhiên, cây cỏ, muốn khám phá đền, chùa, đi hành hương và tìm hiểu về tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, yêu các công trình kiến trúc cổ và tìm hiểu lịch sử.

#Một số thông tin chính về Sri Lanka tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau

– Tên: Sri Lanka có tên đầy đủ là Cộng Hòa Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa Sri Lanka – Democratic Socialist Republic of Sri Lanka. Trong đó Sri có nghĩa là “Thánh” (holy), Lanka có nghĩa là “Đảo” (island). Trước 1952 nó còn được biết đến với cái tên Ceylon, tiếng Việt mình hay gọi là Tích Lan.
– Vị trí địa lí: Là một đảo quốc nhỏ nằm ở Nam Á, tiếp giáp với Ấn Độ và quần đảo Maldives trên biển Ấn Độ Dương. Từ Sri Lanka đi Maldives rất gần và có rất nhiều chuyến bay trong ngày nên khách du lịch thường dừng chân ở Sri Lanka trước khi đến Maldives.
– Thủ đô: Colombo (cách sân bay quốc tế Bandaranaike 35 km về phía nam)
– Tiền tệ: Sri Lankan rupee LKR (01$ = 145 rupee)
– Ngôn ngữ chính thức: tiếng Sinhala 74%, tiếng Tamil 18%, ngôn ngữ khác 8%. Theo thống kê thì khoảng 10% dân số nói được tiếng Anh và đây là ngôn ngữ chính được sử dụng trong chính phủ, đồng thời nó cũng được xem là “ngôn ngữ liên kết” trong hiến pháp.
– Tôn giáo: Phật giáo (tôn giáo chính) chiếm 70,2%, tiếp sau là Hindu 10,6%, Hồi giáo (Muslim) 9,7%, Công giáo La Mã (Roman Catholic) 6,1%, Cơ Đốc giáo 1,3%, và các tôn giáo khác chiếm 0,05%
– Quốc Hoa: Water Lyly (hoa súng tím)
– Môn thế thao yêu thích: Cricket
– Giao thông: phương tiện cá nhân chủ yếu là xe ô tô, phương tiện công cộng có xe tuk tuk, xe bus và tàu hỏa.
– Ẩm thực: chủ yếu là ăn cà ri, giúng Ấn Độ, không dễ ăn tẹo nào 🙂 🙂
– Khẩu hiệu của ngành du lịch Sri Lanka: Refreshingly Sri Lanka – Wonder of Asia

Ảnh + Bài: Phương Đỗ
Amination: Google Image

TAGS