Rời Colombo, chúng tôi đến Galle bằng xe bus nhanh (Express Bus) theo đường cao tốc thay vì đi theo cung đường ven biển. Đây là đoạn cao tốc duy nhất tại Sri Lanka tính đến thời điểm này (tháng 05/ 2016) và do Trung Quốc xây dựng hoàn toàn miễn phí. Đổi lại Sri Lanka sẽ phải cho phép chính phủ Trung Quốc xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở Galle dành riêng cho dân TQ ở (tin từ người dân Sri Lanka).
Dù Sri Lanka chỉ mới nổi lên thời gian gần đây như một điểm đến hàng đầu dành cho dân du lịch bụi nhưng số lượng du khách châu Âu thì vẫn khá khiêm tốn so với một lượng lớn khách Trung Quốc đang ồ ạt xâm chiếm vùng đất này. Tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sri Lanka không đâu là không có bóng dáng và phong cách xô bồ thường thấy của họ. Và 02 đứa da vàng mũi tẹt chúng tôi cũng nghiễm nhiên được người dân ở đây “ni-hạo” “xi-xìa” tá lả bùng binh.
GALLE FORT KÌ VĨ
Nếu Việt Nam có phố cổ Hội An thì Sri Lanka có Galle – thành phố lớn thứ 05 và cũng là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tại đảo quốc này. Nó được biết đến bằng những bãi biển trong xanh, không khí trong lành và đặc biệt là Galle Fort – pháo đài cổ do người Hà Lan xây dựng.
Bên trong Galle Fort là một khu phố cổ xinh xắn với những tòa nhà hoặc dinh thự có màu trắng đặc trưng theo phong cách Hà Lan, dãy tường thành (Fort Wall) giáp biển bao quanh, các pháo đài, quãng trường, hải đăng và đặc biệt nhất phải kể đến Flag Rock.
Sở dĩ nó có tên là Flag Rock vì ngày xưa đây là nơi người Hà Lan dùng cờ để phát tín hiệu cảnh báo nguy hiểm đá ngầm cho các tàu muốn vào bờ. Ngày nay, xung quanh khu vực này là các quâỳ bán hàng rong, các nghệ nhân thổi kèn múa rắn, và hấp dẫn nhất là những chàng trai liều lĩnh với trò cliffs jumping – nhảy từ các vách đá cho du khách chụp ảnh hoặc quay phim để lấy phí.
Theo lời “quảng cáo” của anh chàng tự nhận mình là “crazy jumper” hình bên dưới thì trò này đã có từ năm 1998. Nhìn địa thế ở đây thì người chơi trò này quả thật là “crazy”, các vách đá cao, dựng đứng trong khi bên dưới là vô số đá ngầm và sóng liên tục đánh, phải can đảm và hiểu rõ nơi đây lắm mới dám thực hiện các cú nhảy từ độ cao như thế.
Đứng trên đỉnh Flag Rock nhìn ra xa, tôi mới hiểu hết lí do vì sao Galle được liệt vào danh sách must-see places. Mở ra trước mắt mình là một vùng trời biển bao la xanh tít tắp với những con sóng to nhỏ lẫn lộn đập mải miết không ngừng vào những vách đá đen bóng.
Nước trong xanh và nông đủ để thấy những dải đá ngầm và san hô trải thảm dưới lòng biển ngay cả bằng mắt thường. Khung cảnh kì vĩ đến mức choáng ngợp. Tôi thoáng nghĩ, Galle thực ra chẳng cần gì cả, chỉ cần mỗi Flag Rock thôi cũng đã đủ hớp hồn du khách.
Khi ngồi gõ lại những dòng này, vẫn cảm nhận được rất rõ ràng cái vị mặn mòi đượm mùi biển len trong gió. Từng cơn, thổi qua làn tóc, qua lớp áo mỏng, qua cơn chuyến choáng ngất ngây với cái rẻo đất nhỏ phía Nam này.
Nhưng Galle Fort không chỉ có Flag Rock, tại đây bạn còn có thể tham quan các xưởng chế tác đá quí nằm ở khu sân sau của những cửa hàng bán trang sức; Hay thỏa thuê bơi lội ở bãi biển xinh lung linh ngay dưới chân ngọn hải đăng; Đi dọc tường thành Fort Wall để từ trên đỉnh thành phóng tầm nhìn toàn cảnh trung tâm thị trấn Galle cổ kính. Nếu không thì hãy lang thang ở quãng trường rợp bóng những cây đa cổ thụ, ngừng lại nhấm nháp từng ngụm nước dừa chua thanh mát rượi từ những quầy bán nước ở vệ đường để đôi chân được nghỉ ngơi sau những phút đi bộ không ngơi nghỉ. Trong mắt tôi, Galle Fort quả thực rất đẹp và kì vĩ.
CHỢ CÁ VÀ CHỢ RAU
Nếu chợ Việt Nam thường qui tụ cả cá và rau thì chợ ở Galle khác hẳn. Chợ cá tại đây họp ngay trên vỉa hè sát biển. Cá tươi rói và rất nhiều loại, có những loại mà dân ở biển như tôi cũng chưa thấy bao giờ.
Cảnh mua bán diễn ra cũng khá tấp nập và xôm tụ thu hút cả dân địa phương, khách du lịch lẫn lũ quạ đen đang chầu chực chờ thời cơ đặng nhanh tay giành lấy những bộ phận từ cá mà người bán vứt đi. Quả thực đây là cái chợ cá tôi thích nhất từ trước đến giờ vì nó được diễn ra trong khung cảnh quá ư là đẹp…biển một bên và cá một bên, bên nào cũng tươi không cần tưới 😉
Việc họp chợ ngay trên những con đường ven biển thế này tạo cho người mua một cảm giác rằng tất cả những gì đang bày bán đều là hàng tươi sống vừa mới được đánh bắt lên. Tuy nhiên theo tôi thấy chỉ có mỗi mặt hàng cá là nhiều và tươi, còn lại hầu như không có gì khác. Lác đác chỉ một hai gian có thêm được ít tôm và cua nhưng nhìn cũng không được ngon.
Việc đang ở giữa một đảo quốc mà nguồn hải sản lại không được phong phú cho mấy làm tôi ít nhiều nhạc nhiên. Chắc có thể là do người dân ở đây không có phương tiện để đánh bắt xa bờ vì theo tôi biết công nghiệp đóng tàu taị đất nước này không mấy phát triển. Họ chủ yếu đi biển bằng những con tàu khá thô sơ hay câu cá trên biển bằng cách ngồi trên cà kheo hay còn gọi là stilt fishing. Tuy nhiên cách này ngày xưa thì còn chứ giờ chẳng thấy mấy, nghe bảo ngư dân giờ chỉ cắm cà kheo đó chờ “câu” khách du lịch, họ sẽ ngồi làm mẫu cho du khách chụp ảnh để đổi lại ít tiền. Tôi không hám “nghệ thuật sắp đặt” cho lắm nên cũng chẳng cố công tìm, ảnh ọt thì chụp cá với mấy anh bán cá là đủ thích shoy 😉
Chợ rau thì khác, nó cũng có sạp, có gian hàng như ở Việt Nam. Gọi là chợ rau nhưng đa phần là củ, quả. Rau cũng có nhưng khá ít. Cảm giác là người Sri Lanka không thích ăn rau, thấy họ chẳng mua mấy.
Về chủng loại thì rau củ bên này khá tương đồng với bên mình, phổ biến nhất là rau lan đồng tiền (cái này mấy bạn ở quê chắc biết), rau má, mồng tơi, rau muống…. Rồi còn có cà tím, cà dĩa, bầu, đậu ve, bắp còi, củ cải, đậu rồng, khổ qua, thậm chí là bắp chuối. Ngoài ra chợ rau còn có bán các loại bột gia vị như nghệ, ớt, quế, hồi…và lá carry. Người Sri Lanka nấu ăn rất đậm vị và đậm mùi và thích bỏ lá curry vào nhiều loại đồ ăn. Món tôi thích nhất là khoai tây chiên có thêm vài lá curry vào, thơm thì cứ gọi là nức nở!
Trong chợ còn có vài gian bán trái cây, mùa hè đang là mùa của trái cây nhiệt đới nên nhìn đâu cũng thấy dứa, đu đủ rồi thì chuối, xoài…Tuy nhiên các giống xoài ở đây thì không được ngon như của Việt Nam. Hiện họ vẫn còn xoài hột gà – loại xoài có qủa nhỏ hơn nắm tay, có mùi thơm đặc trưng, ngọt khi chín nhưng cơm thì không mấy do hạt to và có nhiều xơ. Hồi tôi còn nhỏ thì còn thỉnh thoảng thấy nhưng giờ thì nó gần như biến mất, nhường chỗ cho các giống xoài khác ngon hơn.
Ngoài ra bạn cũng sẽ thấy vài gian bán trầu cau y chang VN khác mỗi cái là không phải bán cho phụ nữ mà là đàn ông – họ nhai trầu như kiểu giải trí. Thế nên đừng ngạc nhiên nếu thấy một anh nào đó da đen như mun, môi đỏ như máu cứ nhai nhóp nhép nhóp nhép rồi thi thoảng nhổ pẹt một cái nhá 😉 chỉ là họ đang nhai trầu mà thôi hehe
JUNGLE BEACH MỘT SÁNG LẤT PHẤT MƯA
Thời gian không cho phép dừng chân quá lâu tại Galle nên sau 02 ngày 01 đêm tôi đã phải chuẩn bị cuốn gói leo xe buýt đi tiếp. Tuy vậy trước giờ lên xe cũng đã kịp có một buổi sáng trong lành tận hưởng Jungle Beach – một bãi biển nhỏ ẩn mình phía sau khu rừng rậm cách Galle Fort không mấy xa.
Để đến được đây, bọn tôi phải ngồi tuk tuk, xe sau khi chạy qua một quãng đường phố thì rẽ vào một hẻm nhỏ men theo rìa biển rồi dừng lại trước một con đường mòn xuyên qua những tán cây xanh chen lẫn dây leo chằng chịt. Mô tả nghe khá ghê nhưng thực tế đường đi chả khó tẹo nào vì sau một quãng ngắn đường đất và đá là những bậc thang vuông vức dẫn lối cho bạn thẳng xuống Jungle Beach.
Sau khoảng tầm 15 phút trekking xuyên qua con đường nằm dưới những tán cây, Jungle Beach hiện ra sáng bừng với bờ cát vàng mềm mượt, biển xanh hiền hòa gợn chút lăn tăn của sóng. Nắng dìu dịu làm hai đứa chúng tôi cảm thấy khá dễ chịu sau những ngày đi bộ đến rã rời dưới cái nắng hè oi ả của vùng khí hậu Nam Á.
Tại đây có một vài quán bar nhỏ của những chàng trai ngưười bản địa, tuy cùng kinh doanh tại một khu vực và khai thác cùng một đối tượng khách hàng nhưng mâý ảnh chẳng có vẻ gì là cạnh tranh lẫn nhau cả. Họ thậm chí còn không chèo kéo chúng tôi, mà lại rất vui vẻ bắt chuyện, nhiệt tình chụp ảnh hộ và cung cấp khá nhiều thông tin hữu ích.
Đến tầm hơn 10h thì trời lất phất mưa. Mưa nhẹ nhàng và dè dặt đến mức chỉ đủ thấm ướt bề mặt cát và cuốn đi lớp bụi mỏng trên những tán bàng già. Mình cứ ngồi đó, nhấm nháp nốt ly nước trái cây còn đang dang dở và tận hưởng một Galle mờ ảo cùng với sự tận tình của những chàng trai bản địa. Để biết quí những ngày nắng thì phải đi qua những ngày mưa, nhưng mưa mà đẹp và diễm tình thế này thì mưa hoài cũng được hihi 😉
GALLE ĂN GÌ, CHƠI GÌ, NGỦ ĐÂU
Ngoài đi chợ, đi Galle Fort, đi Jungle Beach, đi siêu thị ra tôi chẳng đi cái gì khác. Cơ bản là do tụi tôi đã chọn ở trong một homestay cách trung tâm của Galle Fort đến phải 3-4km (trong khi trên mô tả chỉ có 1,5km) nên sau khi lo xong bữa tối cho cái dạ dày thì bọn tôi gần như hết giờ và chỉ muốn đi ngủ.
Lời khuyên của tôi là đối với Galle nên chọn khách sạn hoặc homestay ngay trong Galle Fort hoặc gần sân cricket ở khu trung tâm là tốt nhất, tiện đường vui chơi. Nếu được chọn lại tôi sẽ chọn ở căn homestay bên dưới, nhìn xinh ơi là xinh.
Phải nói là giá khách sạn ở Sri Lanka khá là đắt nên đa phần tôi chọn ở homestay để vừa tiết kiệm tiền, vừa trải nghiệm cuộc sống của với người bản địa. Homestay tôi chọn khi ở Galle có tên là Kalan Villa Hotel (67/a,Bandaranayaka place,Galle., 80000 Galle, Sri Lanka). Tôi book căn này trực tiếp trên booking.com mà không phải deposit trước.
Chủ nhà là Kalan, một người đàn đàn ông cỡ ngoài 50 tuổi nói tiếng Anh rất tốt, ngoài ra ông ta còn nói được cả tiếng Nga. Tuy nhiên với tôi thì vị này nói khá nhiều và có phần hơi thiếu kiềm chế với phụ nữ khi mà ông ý nhiệt tình welcome bằng cách ôm 02 lần, lần 02 lâu hơn lần 01, lâu quá mức cần thiết cho một cái ôm xã giao giữa hai người mới quen biết, làm bọn tôi bối rối đến mức phải đẩy ông ta ra. Ngoài ra còn vài điều đáng ngại nữa nhưng tôi cũng chẳng muốn kể lể chi tiết ra làm gì.
Sau này khi đã đi đến một địa điểm khác, bọn tôi mới mở booking.com ra và đọc lại hết review về ông ấy thì mới tá hỏa khi biết rằng ổng đã từng có ý định trộm tiền của một nhóm du khách người Đức lưu trú tại đây. Vậy nên kinh nghiệm rút ra là trước khi book các bạn nhớ đọc bằng hết review nhá. Tuy nhiên phải nói thêm là dù không thích ông chủ nhà cho lắm nhưng vợ và các con ổng thì rất ư là hiền lành, tốt bụng và dễ thương.
Về phòng ốc thì tôi cảm thấy tương xứng với mức tiền vì book được với một mức giá khá rẻ do đang có chương trình discount. Phòng lúc nhận thì có mùi gì đó khá khó chịu nhưng đến buổi tối thì đỡ hơn.
Về vị trí thì Kalan Villa khá xa trung tâm và không thích hợp để làm gì cả, vì đi đâu cũng phải bắt tuk tuk khá bất tiện, một địa điểm tốt duy nhất mà nó nằm gần là nhà hàng món Ấn ngon tuyệt. Bọn tôi đã đến đây theo lời gợi ý của Kalan và cảm thấy khá hài lòng. Họ có những ly nước trái cây mát rượi và những đĩa curry ngon nhất trần đời. Tuy nhiên phần ăn khá lớn và bọn tôi đã không thể xử hết 02 đĩa to ú hụ, 01 phần cơm và thêm 1 cái bánh rotti. Đành phải cáo lỗi với anh phục vụ vì đã bỏ thừa lại đồ ăn mà không quên phân trần rằng do bao tử bé chứ không phải do thức ăn không ngon. Thiệt tình là ngon lắm ý 🙂
Bữa sáng tôi chọn ăn ngay tại nhà của Kalan với giá 2$/ người gồm có bánh mì, mứt, bơ, cơm và sambol – một loại thức ăn làm từ cơm dừa bào nhuyễn trộn với các loại gia vị và bột ớt. Vị khi ăn hơi kì cục kẹo. Có vẻ ẩm thực Sri Lanka không hợp với tôi lắm nhưng dù sao vẫn khá hào hứng với đồ ăn local. Sau khu thử vài muỗng thì tôi chuyển sang ăn xoài, chuối và thưởng thức trà nóng hehe
Ngoài ra trong lúc đi dạo ở Galle Fort bọn tôi cũng có ghé Heritage Cafe để ăn trưa. Quả thực là tôi hơi thất vọng vì ở ngay Galle, ngay biển mà họ mang lên một đĩa salad tôm cực kì dở huhu chưa bao giờ tôi ăn cái salad hải sản nào có hải sản dở như thế luôn ý. Tôm khô queo và dai nhách, nhai như nhai keo cao su nhưng lên ảnh thì rõ là đẹp. Tuy nhiên món bánh mì kẹp thì ăn khá ổn nên gỡ gạc lại được phần nào.
Vậy đó, ở Galle chỉ vỏn vẹn hai ngày rồi lại hăng hái, hăm hở xách ba lô to, ba lô nhỏ tiến thẳng ra bến xe buýt hướng về Udawalawe, nơi có công viên quốc gia để sẵn sàng cho chuyến Jeep Tour xuyên rừng ngắm voi ngắm khỉ sắp tới..
Bản quyền nội dung và hình ảnh được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức
Comments