Lẽ ra P không định viết về Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang vì trên mạng có rất nhiều rồi. Tuy nhiên sau khi đọc một số bài thì P nhận ra 02 điểm: thứ nhất là một số trang thông tin đã cũ do không được cập nhật thường xuyên trong khi Bảo Tàng bây giờ đã đổi mới khá nhiều; thứ hai là một số sử dụng hình ảnh sai với thực tế gây nhầm lẫn cho người đọc. Vậy nên P rón rén viết một bài đơn giản với các thông tin mới mẻ nhất. Bài viết có sử dụng một số thông tin và hình ảnh do phòng truyền thông của Bảo Tàng cung cấp.
CÁC THÔNG TIN CHÍNH
- Thời gian ra đời: năm 1922, cùng lúc với sự ra đời của Viện Hải Dương Học Nha Trang – đơn vị đang trực tiếp quản lý và điều hành bảo tàng;
- Tổng diện tích: 5000m2;
- Tổng số khu trưng bày: 05 khu, bao gồm:
– Hồ nuôi sinh vật biển;
– Khu mẫu vật lớn;
– Rạn nhân tạo;
– Tài nguyên biển Hoàng Sa – Trường Sa;
– Khu đa dạng sinh vật biển. - Biểu tượng: Cá mao tiên;
- Mục đích thành lập: phục vụ nghiên cứu, tham quan và giáo dục cộng đồng;
- Thời gian mở cửa: từ 06 đến 18h hàng ngày.
CHI PHÍ THAM QUAN
Kinh nghiệm của P là nên đi kèm hướng dẫn. Trước đây P đi Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang cũng trên dưới 10 lần rồi nhưng chưa bao giờ đi cùng hướng dẫn. Lần này đi cùng thấy khác hẳn vì biết thêm được rất nhiều điều thú vị: ví dụ như cách phân biệt con rùa và con đồi mồi, vài tập tính buồn cười của con cá mập, hay tỉ như cá nemo có giới tính rất phức tạp, nó có thể tự thay đổi giới tính tùy tình hình… 😈
REVIEW CÁC KHU TRƯNG BÀY
Hồ sinh cảnh đáy mềm & hồ rạn san hô: 02 hồ này là 02 hồ tròn lớn đầu tiên ngay từ chỗ khu bán vé bước vào. Một hồ là nuôi cá đuối (cá đuối Bồng thân tròn và cá đuối Bồng thân bầu dục chấm xanh) còn hồ bia kia nuôi san hô sống và một số loài cá nhỏ;
Hồ sinh thái biển khơi: là một trong những hồ lớn nhất tại Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang. Trong hồ có cá mập vây trắng, cá mập vây đen, cá mú, cá nhám, cá mó đầu u…nói chung là mấy loại cỡ lớn. Ngoài ra người ta cũng cho vào đó ít loài nhỏ nhỏ bơi làm màu cho sinh động. Tụi cá mập nếu nó không bơi thì sẽ chìm xuống đáy hồ nằm một đống dài ngoằng bất động mắc cười lắm.
Hồ rùa và đồi mồi: hồ này sát bên hồ sinh thái biển khơi. Hiện trong hồ có rùa xanh và đồi mồi (nếu P nhớ không lầm). Nghe đồn hồi trước có cụ rùa da siêu to khổng lồ sống ở đây mà ưa cắn nhau, cộng với tuổi cao sức yếu nên đã qui tiên và được Bảo Tàng mang đi làm tiêu bản.
Khu sinh thái rừng ngập mặn: Khu này có nuôi mấy em cá sấu hoa cà , may mắn đi trúng giờ ăn thì sẽ xem được cảnh mấy ẻm bì bạch bò lên bãi cát tha mồi như trong clip của P ở trên. Buồn cười là 2 em thì ăn rất tự nhiên, 1 em thì mắc cỡ, há mỏ đứng nhìn con gà một cách nghiêm túc chứ nhất quyết không ăn khi tụi P còn đứng đó Nhân tiện cho bạn nào chưa biết thì cá sấu hòa cà hiện là loài bò sát lớn nhất, cũng như là loài săn mồi ven bờ lớn nhất còn sống trên thế giới. Con P chụp trong hình là con nhỏ, con ở chuồng sát bên to hơn nhiều!!
Sát đó là công viên Trường Sa rất mát mẻ vì có cây xanh, bãi biển và ghế đá. Tham quan mệt thì có thể ngồi đây nghỉ giải lao, ăn kem, hóng gió. Có điều khu vực này thi thoảng sẽ có rác tấp vào theo sóng biển. Ban quản lý Bảo Tàng Hải Dương Học cũng thường xuyên cho người quét dọn nhưng nếu xui xui có khi cũng sẽ thấy.
Khu sinh vật kì thú: khu này gồm nhiều hồ nhỏ, mỗi hồ là một loại khác nhau. Hồ to nhất ngay phía ngoài là chình, bên trong thì có thêm cá bò hòm, cá mao tiên, cá mặt quỉ, tôm hề, hải quỳ, sam, huệ biển, hải sâm… cực kì phong phú và đầy màu sắc. Lưu ý là khi tham quan ở khu này thì các bạn nhớ tắt flash của máy ảnh kẻo ảnh hưởng tới các bạn tôm cá.
Khu tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa: Khu này trước đây cũng bình thường thôi, nhưng gần đây thì đang được nâng cấp, tu bổ lại nên khá đẹp. Ngoài một số tiêu bản và hồ cá cỡ trung ra thì vừa mới khai trương mấy hồ rất lớn. Nếu chọn chắc P chọn thích khu này nhất.
03 hồ gây ấn tượng với P trong khu này cũng là 03 hồ lớn nhất và nằm ở trong cùng. Đầu tiên là hồ san hô với đầy san hô sống siêu màu sắc sặc sỡ, thân mềm, thân cứng gì có đủ. Đi lặn biển nhiều khi cũng khó quan sát cận cảnh được mấy cái như này. Dí camera điện thoại sát vô kính là ra được một bức ảnh underwater bao chuẩn đẹp mà không cần phải chỉnh màu.
Tiếp theo là hồ trụ: Hồ trụ là hồ cá rạn, hiện nuôi cá chim – một loại cá sống theo đàn. Hồ này có thể tích 30 mét khối, chiều cao 4m và đường kính 3m. Hiện nay nó là hồ bể trụ đúc nguyên khối lớn nhất Việt Nam và cũng là hồ thu hút nhiều khách check-in nhất tại Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang.
Hồ phía trong cùng cũng là hồ cá rạn nhưng tập trung nhiều loại cá khác nhau. Hồ có thể tích 98 mét khối, dài 16m, ngang 1,5m. Chủ nhật hàng tuần từ 9h đến 9h30 sẽ có thợ lặn vào đây cho cá ăn để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Ngoài các khu P kể trên ra thì Bảo Hàng Hải Dương Học còn có thêm khu Rạn nhân tạo, Khu mẫu vật lớn và Khu đa dạng sinh vật biển.
Khu Rạn nhân tạo kính hơi mờ (dù cũng thường xuyên được vệ sinh) và trong đó đa phần là các loại cá kinh tế. Mấy con này thì P hay thấy rồi nên không tò mò lắm. Riêng Khu mẫu vật lớn thì nó vẫn giống như hồi giờ P xem, không có mới nên P hay lướt qua. Tuy nhiên những ai đi lần đầu chắc sẽ trầm trồ vì toàn mẫu siêu to khổng lồ thôi.
Cuối cùng là khu Đa dạng sinh vật biển: đây là khu đặc biệt nhất của Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang vì nơi đây đang lưu giữ và bảo tồn một bộ mẫu sinh vật biển lớn và quý với khoảng 23.000 mẫu thuộc 5.000 loài. Tháng 10/2012 Bảo tàng Hải dương học được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức xác lập và công bố “Nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất”.(Theo baotanghdh.vn). Giá trị thật sự của Bảo Tàng nằm phần nhiều ở khu Đa dạng sinh vật biển này.
Vô khu này P thấy choáng ngợp thiệt nhưng thật lòng là không hiểu hết giá trị của các mẫu vật thành thử nó không lọt vô top yêu thích. Chứ thật ra cá, tôm, tiêu bản… nhiều bảo tàng sinh vật biển ở Việt Nam cũng có, nhưng mà nói về mẫu vật thì Bảo Tàng Hải Dương Học Nha Trang là hàng đầu, không chỗ nào qua mặt được.
CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC
Hiện nay Bảo Tàng thường xuyên có nhiều hoạt động khá hấp dẫn dành cho khách đến tham quan. Nếu gặp đúng dịp mọi người không nên bỏ lỡ nhé:
– Miễn phí khám phá rạn san hô bằng thuyền thúng đáy kính (từ 7h đến 10h hàng ngày): cái này thì hôm nào nước trong mới xem được nha mọi người;
– Miễn phí xem người nhái cho cá ăn mỗi sáng chủ nhật (từ 9h đến 9h30);
– Tham quan con đường bích họa bao quanh Bảo Tàng với tổng cộng 26 bức tranh về các loài sinh vật biển.
Và thông điệp cuối cùng P muốn gửi đến mọi người là đừng bao giờ vứt rác xuống biển. Hãy bảo vệ đại dương, bảo vệ môi trường biển vì đó cũng là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta 🙂
BẢO TÀNG HẢI DƯƠNG HỌC NHA TRANG – MUSEUM OF OCEANOGRAPHY
– Địa chỉ: số 01 Cầu Đá, Vĩnh Nguyên, Nha Trang
– Thời gian mở cửa: từ 6h đến 18h
– Điện thoại: 0258 3590 037
– Website: baotanghdh.vn
– Fanpage: fb.com/baotanghaiduonghoc/
Comments