Khu vực nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng quy hoạch phía Tây TP. Nha Trang (Khánh Hòa) được kết nối với trung tâm thành phố thông qua 3 tuyến đường chính là đường 23 tháng 10, đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường Phong Châu.
UBND TP. Nha Trang (Khánh Hòa) vừa có thông báo về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với Nhiệm vụ quy hoạch Đồ án điều chỉnh, mở rộng quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực phía Tây TP. Nha Trang.
UBND TP. Nha Trang giao UBND các xã: Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái niêm yết thông tin về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch; thông báo cho người dân địa phương được biết về việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch. Phòng Quản lý đô thị tổng hợp ý kiến góp ý, hoàn chỉnh hồ sơ, tham mưu UBND TP. Nha Trang trình Sở Xây dựng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt.
Theo UBND TP. Nha Trang, khu vực nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng quy hoạch nằm ở phía Tây TP. Nha Trang được kết nối với trung tâm thành phố thông qua 3 tuyến đường chính là đường 23 Tháng 10, đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường Phong Châu; bao gồm địa bàn các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Trung và Vĩnh Thái có giới cận: Phía Đông giáp ranh giới đồ án Quy hoạch phân khu Khu dân cư Vĩnh Hiệp – Vĩnh Ngọc – Vĩnh Thạnh và sông Quán Trường; phía Tây giáp ranh giới huyện Diên Khánh; phía Nam giáp đường Phong Châu và dự án Tái định cư Đất Lành; phía Bắc giáp sông Cái.
Tổng diện tích khu vực lập đồ án điều chỉnh quy hoạch khoảng 1.393,62ha. Trong đó, phần diện tích nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng quy hoạch là 555,49ha; phần diện tích cập nhật các đồ án quy hoạch, dự án đã triển khai là 838,13ha.
Tại phía Tây TP. Nha Trang, khu vực Nam sông Quán Trường được đánh giá có địa thế lưng tựa núi, mặt quay hướng Bắc, Đông Bắc, giáp với sông nhỏ. Khu vực ven núi có địa thế cao và vững hơn. Thuận theo địa hình thì tốt nhất nên xây dựng những dải đô thị mỏng bám theo chân núi. Khu vực giữa hai sông Cái và Quán Trường là dải đất trũng, màu mỡ, hiện làm nông nghiệp rất hiệu quả, trù phú với những làng mạc truyền thống; cảnh quan sinh thái nông nghiệp ở đây có thể trở thành một trong những điểm hấp dẫn du lịch nếu biết tận dụng, khai thác. Ngược lại, đối với việc xây dựng đô thị, khu vực này không thuận lợi do đất trũng và yếu, muốn xây đô thị cần san nền, nâng cốt. Riêng dải đất dọc sông Cái có thể tận dụng phát triển thành những cụm đô thị nhỏ, theo cấu trúc như những làng mạc hiện tại, rất hấp dẫn đối với du lịch.
Các vấn đề cần giải quyết trong đồ án quy hoạch điều chỉnh được đề cập đến là: Rà soát, đánh giá các chỉ tiêu quy hoạch hiện trạng; phân tích các vấn đề bất cập của đồ án quy hoạch đã được duyệt; rà soát cập nhật các dự án đầu tư đã thực hiện trong khu vực lập quy hoạch; nghiên cứu quy hoạch kiến trúc cảnh quan tuyến đường Võ Nguyên Giáp tạo điểm nhấn cảnh quan du lịch; các quy định quản lý cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ về mật độ xây dựng, tầng cao, không gian ngầm, khoảng lùi đối với các công trình dọc đường 23 tháng 10, đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường Phong Châu; quy hoạch các bãi đỗ xe nhằm tăng diện tích đất giao thông cho khu vực; thiết kế tổ chức giao thông các nút giao thông chính trong khu vực lập quy hoạch: Vành đai 3 – Phong Châu – Võ Nguyên Giáp – 23 tháng 10; Hương lộ 45 – 23 tháng 10 – Võ Nguyên Giáp; nghiên cứu giải pháp thoát nước và đường vành đai quanh núi Chín Khúc, núi Giáng Hương để khống chế khu vực sạt lở và quản lý xây dựng… Về quy mô dân số, tổng quy mô dân số khu vực điều chỉnh quy hoạch năm 2019 là 49.897 người. Dự báo quy mô dân số năm 2030 là 54.289 người và đến năm 2040 là 58.617 người.
Đối với tổ chức không gian, phân khu chức năng, kiến trúc, TP. Nha Trang xác định rõ không gian cho các khu vực ở (bao gồm các khu vực ở mới và các khu vực chỉnh trang), khu công cộng, dịch vụ, công viên xây xanh và các tiện ích khác… Đồng thời, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng khu chức năng, khu vực nút giao thông chính, các trục đường chính, không gian mở, khu trung tâm. Quy hoạch phải xác định được ranh giới khu vực phát triển đô thị và khu vực hạn chế (hoặc không) phát triển đô thị. Không gian đô thị phải khai thác được tối đa các lợi thế và hạn chế các bất lợi về điều kiện tự nhiên; phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và đặc thù về đất đai, hạ tầng của từng đô thị, từng vùng miền; tạo được môi trường sống tốt, an toàn cho dân cư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng. Đất khu vực phát triển đô thị phải được tính toán, dự báo theo khả năng phát triển theo từng giai đoạn quy hoạch. Chỉ tiêu đất dân dụng phải được tính toán lựa chọn theo đặc thù từng đô thị đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên có giá trị…
Theo UBND TP. Nha Trang, khu vực kiến nghị lập đồ án điều chỉnh quy hoạch là khu dân cư hiện trạng xen lẫn các dự án đầu tư xây dựng mới đang được quản lý bởi Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị phía Tây TP. Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt từ năm 2007 với mục tiêu xây dựng khu đô thị mới có quy mô diện tích 2.032,14ha, phạm vi ranh giới gồm 2 địa phận là huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang. Tuy nhiên, thực trạng khu vực chủ yếu là dân cư hiện hữu phát triển đô thị theo hướng tự phát dẫn đến bất cập trong công tác quản lý quy hoạch theo mục tiêu xây dựng khu đô thị mới.
Nhận thấy sự bấp cập trong quá trình quản lý quy hoạch và xây dựng tại khu vực, UBND tỉnh có chủ trương nghiên cứu điều chỉnh một phần với diện tích 522,32ha, đồ án điều chỉnh quy hoạch phê duyệt năm 2016. Đến nay, việc quản lý quy hoạch phát sinh một số bất cập như: Việc khớp nối không đồng bộ giữa các nội dung quy hoạch được phê duyệt năm 2007 và đồ án phê duyệt năm 2016; phần diện tích thuộc địa phận TP. Nha Trang được phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu với tính chất khu đô thị chỉnh trang (năm 2016) xen lẫn phần quy hoạch phát triển khu đô thị mới (năm 2007); phần lớn khu vực quy hoạch định hướng không còn phù hợp với thực trạng dân cư tại khu vực…
Từ thực tế trên, UBND TP. Nha Trang cho rằng cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế, trên cơ sở nghiên cứu rà soát, đánh giá lại tổng thể đồ án quy hoạch khu đô thị phía Tây về mục tiêu và các chỉ tiêu quy hoạch. Khu vực đề xuất lập quy hoạch giáp giới với một số dự án đã và đang được UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương và quy hoạch chi tiết; một số dự án đã và đang thực hiện triển khai xây dựng có điều chỉnh so với quy hoạch được duyệt. Do đó, việc lập quy hoạch điều chỉnh phân khu là cần thiết nhằm khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đồng thời, việc mở rộng nghiên cứu lập quy hoạch phân khu cũng làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng, bảo vệ địa hình, cảnh quan tự nhiên, đất đai cho khu vực./.
Theo Realtimes | Link bài gốc
Comments