Lặn biển có vui không – siêu vui
Lặn biển có khó không – không hề khó
Thế tại sao người ta ít đi lặn biển – vì người ta sợ và không hiểu nhiều về bộ môn này
Vậy nên hôm nay P sẽ review về tour lặn biển Nha Trang mà P đã trải nghiệm cũng như chia sẻ một ít kiến thức cơ bản mà P biết để các bạn có tự tin mà chơi nhé. Không có gì là cao siêu và rắc rối lắm đâu. Và quan trọng nhất là dù không biết bơi ta vẫn có thể đi lặn biển được  😉 

Hiện nay các chương trình lặn giải trí (Recreational Diving) phổ biến có thể chia làm 03 loại chính: đó là Try Dive, Fun Dive và Discovery Scuba Diving

Try Dive (hay còn gọi là lặn thử): là hình thức lặn dành cho người mới đi lặn lần đầu hoặc người chưa có bằng lặn. Độ sâu tối đa khi tham gia Try Dive thường là từ 3m đến 6m. Tuy nhiên tùy theo chính sách của từng trung tâm lặn, địa điểm lặn, độ lì của khách và độ hào phóng của người dẫn (Instructor hay Dive Master) thì có thể đi sâu hơn mức qui định. Hôm nay P sẽ review cái này  😉 

Discovery Scuba Diving (khám phá bộ môn lặn biển): tương tự như Try Dive là dành cho người chưa có bằng tuy nhiên người tham gia sẽ được huấn luyện một số kỹ năng cơ bản dưới nước. Độ sâu tối đa của chương trình này là 12m, mấy bạn Tây hay chọn cái này thay vì Try Dive như người Việt.

– Fun Dive (lặn thư giãn): đây là chương trình lặn dành cho người đã có bằng lặn ở bất kì cấp độ nào, nghĩa là người đã có kinh nghiệm và có thể tự lặn mà không cần ai dẫn. Tuy nhiên theo qui định thì Instructor hay Dive Master vẫn phải đi cùng. Fun dive đi sâu bao nhiêu tuỳ vào bằng của khách và yêu cầu của khách, có người thích nông nhưng cũng có người yêu cầu sâu tối đa.

Ngoài 03 chương trình lặn cơ bản này ra, bộ môn lặn biển giải trí còn có nhiều chương trình khác như Deep Dive (lặn sâu), Night Dive (lặn đêm), Wreck Dive (lặn ngắm tàu chìm), Cave Dive (lặn qua hang động dưới nước), Ice Dive (lặn dưới lớp băng), Drift Dive (lặn theo dòng chảy)… Điểm chung của các loại hình này là chỉ dành cho những thợ lặn chuyện nghiệp đã có bằng (tùy vào từng cấp độ) và khi lặn phải trang bị đầy đủ các thiết bị lặn chuyên dụng. Ngoài ra còn có một loại hình lặn khác có tên là Free Dive (lặn tự do), loại này thì người lặn không cần mang theo theo trang thiết hỗ trợ việc thở dưới nước, tất cả chỉ dựa vào độ dài của cột hơi, kỹ thuật và khả năng bơi lội của chính họ.

Theo thứ tự từ thấp đến cao thì ta có các loại bằng sau:
– Open water
– Advanced
– Rescue
– Divemaster
– Assistant instructor
– Instructor
– Master instructor

Ở Nha Trang có khá nhiều trung tâm dạy Open Water, Tây có, Ta có. Một khóa Open Water Course (OWC) như vậy thường kéo dài trong 03 ngày với 06 ca lặn. Có bằng này là các bạn có thể đi Fun Dive, nên nếu đam mê khám phá thế giới dưới nước thì nên học. Nhiều dân lặn chuyên nghiệp nhận xét rằng chẳng ở đâu học lấy bằng lặn lại sướng và rẻ như ở Nha Trang.

Nói về bằng thì 02 loại bằng sang chảnh và có giá nhất phải kể đến đó là bằng của PADI và SSI, bằng do 02 đơn vị này cấp thì nói tới ai cũng biết. Theo ngâm kíu thì giá một khóa OWC giao động từ 250-400$ tuỳ hãng, trong đó PADI là đắt nhất.

sơ đồ các điểm lặn ở nha trang

Lặn biển ở Nha Trang nổi tiếng nhất là lặn ở Hòn Mun – khu bảo tồn biển nổi tiếng của Việt Nam. Hiện tại có tầm 15 điểm lặn (Dive Site) xung quanh đảo này. Mỗi điểm lặn có một địa hình, hệ thống san hô và độ nông sâu khác nhau. Tên các điểm lặn này đôi khi cũng khác nhau tùy theo thói quen của từng trung tâm, từng người. Ví dụ như điểm lặn Fisherman còn được gọi là Lưới Đăng, Lighthouse còn đôi khi còn có tên khác là Electric Nose hay Mũi Điện. Túm lại về tên mấy cái này chỉ có mấy thanh niên làm lâu năm trong nghề, chạy qua chạy lại nhiều trung tâm thì mới biết và nhớ hết được. Ngoài Hòn Mun còn có thể lặn ở Bãi Dài, Đảo Khỉ, Hòn Ông…

Khách đi lặn biển thường không thể tự chọn điểm lặn mà điều đó sẽ do thuyền trưởng và instructor quyết định tùy theo tình hình thời tiết và lịch trình của từng ngày. Trên thế giới các vùng biển nước trong ánh sáng xuống được sâu thì lặn vài chục mét vẫn đủ sáng, tuy nhiên ở Nha Trang không có dzụ này, càng xuống sâu thì nước càng đục, trừ điểm lặn Madonna Rock thì 20-25m vẫn ok nếu ngày đẹp nước trong.

Ngoài các điểm lặn xung quanh Hòn Mun ra thì có một điểm lặn ngoài khơi khá xa có tên là Light House. Nơi này được cái diver ở Nha Trang cho là đẹp nhất và chỉ cần bằng OW là đi được, nhưng nếu ai có bằng advanced thì hãy đi vì nó cần có chút kinh nghiệm với sóng hơi lớn, nhiều chỗ sâu hơn 18m, đã ra tận đó lại chỉ lặn trên 18m thì uổng tiền (Thường muốn tới điểm lặn này thì phải trả thêm 1,5 tới 2 chẹo tiền xăng tàu).

lặn biển nha trang

Lặn Biển Nha Trang

TRY DIVE - LẶN THỬ

Bài này P review về tour lặn cơ bản nhất và dễ nhất đó là Try Dive. Bài cập nhật mới nhất là lần đi Try Dive thứ 03 của P. Lần đầu đi vào mừa mưa, nước đục, tầm nhìn dưới nước rất thấp, lại còn nhát gan nên P lặn có 2m là đòi trồi lên. Chả kịp thấy gì ngoài mấy cục đá và nhanh tay chộp lấy vài cái hình sống ảo. Lần hai khá hơn, xuống được cỡ 04m và không còn sợ như lần trước nữa vì đã trang bị được kha khá kiến thức và dạn hơn. Còn lần 03 thì xuống được hẳn gần 08m nhưng do hơi khớp nên lúc mới bắt đầu cứ thở phì phò phì phò 😈 

Để đi Try Dive thì thứ duy nhất bạn cần đó là sức khỏe, ngoài sức khỏe ra thì không cần bất cứ kỹ năng cao siêu nào khác, thậm chí cả biết bơi cũng không cần. Khi lặn sẽ đi theo kiểu 01 kèm 01 tức là 01 thợ lặn chuyên nghiệp (Dive Master) hoặc 01 hướng dẫn viên lặn (Instructor) sẽ dẫn 01 khách. Độ sâu trung bình dành cho người đi Try Dive chỉ từ 03 đến 06m nên tóm lại mọi thứ tương đối an toàn, không có gì để gọi là “mạo hiểm” cả hén

review tour lặn biển nha trang

Tuy chỉ là “lặn thử” nhưng bạn vẫn sẽ được trang bị đầy đủ đồ nghề cơ bản của bộ môn scuba diving, bao gồm:

(1) Wetsuit (quần áo lặn): được may theo kiểu áo liền quần và làm bằng chất liệu cách nhiệt để bảo vệ cơ thể khỏi bị mất nhiệt dưới nước;
(2) Mask (mặt nạ): loại mặt nạ chuyên dụng này sẽ bao phủ cả mắt và mũi tạo thành một túi khí nhỏ giúp bạn cân bằng áp lực ở tai. Chất liệu trong suốt cũng cho phép người dùng nhìn mọi thứ xung quanh ở dưới nước rất rõ ràng;
(3) Fins (chân vịt): chân vịt giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn trong môi trường nước. 
(4) Weight belt (dây chì): về cơ bản cơ thể của chúng ta có thể tự nổi trên mặt nước do lực đẩy acsimet, nên để lặn được xuống sâu, chúng ta phải đeo dây chì vào người để cơ thể chìm xuống;
(5) Tank (bình dưỡng khí): Có bình cỡ lớn và cỡ vừa, trong bình chứa không khí nén giúp chúng ta thở được bằng miệng thông qua thiết bị thở;
(6) Diving Regulator/ Octopus (thiết bị thở): dùng để kết nối với bình dưỡng khí để đưa không khí vào cơ thể qua đường miệng;
(7) Buoyancy Compensators Diving – BCD (áo cân bằng độ nổi): ngoài việc giúp cân bằng trọng lượng của bình khí thì BCD có một chức năng quan trọng hơn là giúp bạn có thể nổi lên mặt nước khi kết thúc chuyến đi lặn hoặc khi có sự cố.

Đây là 07 thiết bị cơ bản nhất trong bộ môn lặn, và khi đi Try Dive 04 thiết bị đầu tiên bạn sẽ được trang bị trực tiếp, còn 03 thiết bị sau cùng đã được lắp ráp sẵn và để nổi ở dưới nước, bạn chỉ cần xuống nước là đeo vào người luôn nên rất tiện. P viết dài và chi tiết để các bạn có thêm thông tin thôi, chứ thường đi lặn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như này sẽ không có nhiều thời gian để giải thích hay hường dẫn sử dụng từng thứ. Nếu có vấn đề gì thì các bạn chỉ cần ra hiệu, người đi kèm sẽ xử lí được tất cả các thiết bị trên từ bên ngoài.

Sau khi trang bị đầy đủ rồi thì các bạn cần chú ý thêm một việc nữa đó là ghi nhớ các kí hiệu. Dưới nước không nói được nên mọi thứ phải dùng tay ra dấu. Các hướng dẫn viên sẽ huấn luyện nhanh cho các bạn các kí hiệu cơ bản này trong vòng 05 nốt nhạc, bao gồm: tui ổn, tui muốn đi lên, tui muốn đi sâu xuống nữa, tui cảm thấy không ổn, tai tui bị ù..vân vân.. và mây mây. Bạn nào tò mò muốn xem mấy kí hiệu đó như nào thì lên google gõ “scuba-diving-hand-signals” hén. Nhưng xem cho vui thôi vì lặn có vài mét cũng không có cơ hội xài nhiều đâu, xem quá lại rối não không chừng :v :v

Nếu bạn muốn đi lặn thì thường có 02 cách: một là đi các tour đảo rồi đăng kí đi lặn, hai la đăng kí hẳn tour lặn luôn (tour lặn hằng ngày – daily). P thì cả ba lần đều đăng kí đi tour daily để chỉ chuyên tâm bơi lặn. 

Đối với các khách nào mới đi Try Dive lần đầu thì sẽ được tham dự một khóa huấn luyện cấp tốc ngay trên tàu để nắm được các vấn đề cốt lõi của việc lặn (như các thông tin P trình bày ở trên). Riêng nhóm P đi kì này thì ai cũng đã từng đi lặn rồi nên được miễn khâu training thành ra có phần thong thả hơn.

Sau khi trang bị đầy đủ đồ nghề (quần áo lặn, mặt nạ, dây chì) thì P được cho xuống nước và đeo vào người các thiết bị còn lại (bình khí, áo cân bằng độ nổi, thiết bị thở, chân vịt) dưới sự hỗ trợ của HDV riêng. Khi này sẽ phải ôn lại các kí hiệu khi ở dưới nước lần cuối trước khi tiến hành lặn.  

lặn biển nha trang

Điểm lặn này vốn dĩ không quá sâu, là nơi chỉ cần snorkel với ống thở và kính lặn thôi là đã đủ để nhìn ngắm san hô bên dưới rồi nên các bạn đừng ngạc nhiên là tại sao mới lặn xuống có xíu mà P đã thấy đáy. Thật ra với một số người lặn chuyên nghiệp thì dive site này chưa thật sự nổi bật nhưng với P thì nó quá đủ cho một trải nghiệm mang tên là “lặn thử”.

Độ sâu nơi P lặn tối đa chỉ tầm 8m nên ánh sáng mặt trời dễ dàng xuyên qua tạo nên những vân nước đủ hình dạng ở những nơi nông. nhưng càng xuống sâu thì ánh sáng sẽ càng yếu dần. Vùng nước khu vực này thông thường vào mùa hè rất trong và tầm nhìn cực tốt. Nhưng trước hôm P lặn 02 ngày thì Nha Trang có mưa to nên nước như trong clip đã là hơi bị đục rồi.

San hô ở đây tuy không có quá nhiều màu sắc như trong mấy cái hình PR các bạn hay xem trên quảng cáo nhưng cũng đủ làm P choáng ngợp vì rất nhiều và trải thảm trên cả một vùng rộng lớn, nhìn như một vườn hoa cẩm tú cầu cỡ lớn vậy đó. Trên hình bèo bèo vậy thôi chứ ở ngoài đẹp hơn cỡ 10 lần. Kì này do xuống sâu hơn nên xem được nhiều thứ hơn hai lần trước: nhiều cá hơn, cá nhiều màu sắc và chủng loại hơn (uầy, lần đầu P thấy cá ngựa bơi ngoài đời thực ấy, còn cả con cá đao thân dài mõm dài, cá nemo, với mấy con kì kì nữa, không biết tên gì)

review lặn biển nha trang

Thứ đẹp đẽ nhất kì này P được thấy là một ụ san hô to gấp đôi bàn tay, có hình thù như một bông hoa đang nở với nhiều cánh nhỏ. Trong mỗi khe hở giữa các cánh là cá. Rất nhiều cá, cá nhỏ xíu xiu nhưng có màu neon xanh xanh tím tím cực kì lộng lẫy. Lúc ở đàng xa nhìn lại thì chúng nó phóng từ những khe hở đó ra, khi lại gần thì chúng lại lui vào. Bạn tưởng tượng cái đèn chiếu tia tia hay để phía sau các tượng phật như nào thì cảnh này y chang như vậy. Cực kì đẹp, các bạn xem trong clip, có quay lại được đó 🙂 

Một ca lặn trong tour như vầy thì sẽ kéo dài 15 phút. Nhưng nếu khách muốn lên sớm hơn thì chỉ cần ra hiệu là HDV sẽ điều khiển áo cân bằng độ nổi để đưa khách lên trên mặt nước về lại tàu chính. P là P chơi triệt để đến giây cuối cùng luôn, cứ lặn qua lặn lại không muốn lên bờ. Ngoài lặn ra thì còn được chụp hình quay phim các kiểu nữa, rất thích.

Một số lưu ý khi đi lặn:

– Cần ghi nhớ các kí hiệu dưới nước, cách cân bằng áp suất khi bị ù tai hoặc nước vô mặt nạ khi HDV hướng dẫn;
– Tuyệt đối tuân thủ các chỉ dẫn của HDV;
– Đi lặn với tiêu chí “em để em ngắm chứ em không phá”, vậy nên không được ghẹo cá, đụng chạm hay dẫm đạp lên san hô, cũng không được bắt bất cứ con gì lên nhé. Có luật cấm cả đấy;
– Không sử dụng rượu bia trước khi đi lặn;
– Không nên lặn sau khi ăn no, nên ăn trước khi lặn ít nhất 60 phút;
– Trong vòng 24h sau khi lặn k nên đi máy bay nên các bạn lưu ý để sắp xếp lịch trình phù hợp;
– Cần chuẩn bị tâm lí thoải mái trước khi lặn;
– Nên mặc đồ bơi rồi mặc bên ngoài wetsuit để cơ thể nhẹ nhàng dưới nước. Không nên mặc jean hay hay áo quần quá dày;
– Các bạn cận dưới 2.5 độ có thể bỏ kính ra đi lặn bình thường. Trường hợp nếu nặng hơn có thể dùng contact lens (P thấy mấy em gái tàu đeo lens lặn vi vu) hoặc sử dụng loại kính cận của bên lặn cung cấp;
– Các bạn có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp không nên tham gia bộ môn này còn không biết bơi vẫn có thể chơi vô tư.
– Nếu các bạn có các thiết bị chụp hình, quay phim dưới nước thì nhớ mang theo. 

review lặn biển nha trang

Lặn lần này xong P cảm thấy cực kì thú vị. Xuống được gần 08m có thể với một số người không là gì nhưng với P đó là cả một trải nghiệm đáng nhớ. Nhất là khi P vượt qua được nỗi sợ trước đó của bản thân. Còn giờ thì rất mê, và biết đâu một ngày nào đó, tiến tới học luôn Open Water Course thì sao nhỉ  😈  😈 Túm lại, P có lời chân thành là nếu các bạn có đủ sức khỏe, tài chánh (700 cành thoai) và một tinh thần mê khám phá những trải nghiệm mới lạ thì lặn biển Nha Trang là một trò không nên bị bỏ lỡ trong những ngày hè nắng đẹp  😉 

LẶN BIỂN NHA TRANG – TRY DIVE
– Giá tour: 700.000đ/ người
– Bao gồm: Dịch vụ đưa đón và trả khách trong trung tâm thành phố – Tàu gỗ di chuyển đến các điểm lặn – Trang thiết bị cần thiế – Hướng dẫn viên lặn chuyên nghiệp với bằng cấp quốc tế – Bữa trưa theo chương trình – Nước uống, trái cây tráng miệng – Ăn trưa theo chương trình;
– Liên hệ: Nha Trang Review 

Bản quyền nội dung và hình ảnh được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức

TAGS