Chủ nhà hàng, khách sạn ở hai địa phương từng đón nhiều khách Trung Quốc và Nga nhất đang loay hoay tìm khách mới, khi mùa du lịch nội địa đã qua.
Cửa hàng Trầm Hương Cổ Vận mặt quốc lộ 18 (đối diện đường vào khu du lịch Tuần Châu, Hạ Long) vốn từng rất đông khách đi theo tour 0 đồng mua sắm, nay đóng cửa im lìm. Một số cửa hàng khác tại khu Hùng Thắng, TP Hạ Long, cũng vắng vẻ.
Thiếu khách quốc tế, đội tàu tham quan vịnh Hạ Long thiệt hại nặng nề. “Trước Covid-19, cảng lúc nào cũng tấp nập, 70% là khách Trung Quốc, mỗi ngày 4-5 chuyến. Họ ăn uống đơn giản nhưng số lượng lớn nên doanh thu tốt”, chị Phạm Thắm, nhà tàu Tùng Dương, chia sẻ.
“Hiện thì may lắm ngày có một chuyến khách nội địa. Phần lớn thời gian tàu phải nằm cảng”.
Kết thúc đợt cao điểm khách nội mùa hè và 2/9, một số trung tâm du lịch lớn trở về trạng thái im lìm, nhất là những nơi từng đón nhiều khách nước ngoài. Covid ở Trung Quốc và chiến sự ở Ukraine ảnh hưởng đến việc làm ăn của nhiều điểm du lịch Việt Nam.
Ông Văn Cường, sở hữu hai tàu chở khách tham quan vịnh Hạ Long, cho biết: “Nếu có khách quốc tế thì Hạ Long làm du lịch quanh năm, tấp nập nhất từ tháng 9 đến cuối năm. Khách nội chỉ sôi động mùa hè”.
Năm 2019, Hạ Long đón 2,9 triệu khách quốc tế, trong đó có khoảng 60% là khách Trung Quốc. Khách đến nhiều nhất vào Tuần lễ Vàng đầu tháng 10, dịp Quốc khánh nước này. Hai năm nay, nước bạn áp dụng chính sách zero Covid, hạn chế xuất nhập cảnh, lượng khách sang Quảng Ninh nhỏ, không được thống kê.
Trong khi tàu du lịch nằm bờ, các khách sạn, nhà nghỉ từ 3 sao trở xuống cũng phải vật lộn vì thiếu nhóm khách hàng quen thuộc. Nhiều chủ tàu cũng đồng thời sở hữu các khách sạn 2-3 sao trước phục vụ chủ yếu khách Trung Quốc, nay phải quyết định “hy sinh” một trong hai, thậm chí cả hai.
“Áp lực nợ ngân hàng, nhiều người muốn bán khách sạn hoặc tàu thuyền nhưng cũng không ai mua”, ông Cường cho biết. “Làm ăn được thì đâu ai muốn bán. Không làm được thì tất cả đều như nhau”.
Cách Hạ Long hơn nghìn km về phía nam, Khánh Hoà cũng bị ảnh hưởng nặng từ việc mất đi hai nhóm khách quan trọng là Trung Quốc và Nga. Ảnh hưởng từ hai năm Covid, cộng thêm chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến nguồn khách Nga đến Nha Trang cạn hẳn. Năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế, nhiều nhất từ Trung Quốc với 2 triệu lượt, Nga thứ nhì với gần 500.000 lượt. Khi đó mỗi ngày sân bay quốc tế Cam Ranh đón hơn 30 chuyến bay từ Trung Quốc, 6-7 chuyến từ Nga.
Ở Nha Trang, các tuyến đường từng đông khách nước ngoài như Nguyễn Thiện Thuật, Hùng Vương… giờ vắng vẻ, chỉ lác đác khách Hàn Quốc. Du lịch đã mở cửa, nhưng nhiều hàng quán, khách sạn tại những khu vực này vẫn đóng, nhiều nơi hoặc treo biển cho thuê mặt bằng, hoặc xuống cấp vì không được chỉnh trang, dọn dẹp.
Qua khảo sát của phóng viên VnExpress, nhiều mặt bằng tại khu này trước dịch có giá thuê cả trăm triệu mỗi tháng, nay giảm hơn 60% nhưng không có người thuê. Nhiều cửa hàng đóng cửa im lìm.
Anh Hoài, chủ một quán ăn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, cho biết hè vừa qua, anh đã sửa sang, dọn dẹp lại hàng quán để kỳ vọng đón được một lượng khách nội. Khách nội đông nhưng quán của anh lại nằm ở khu phố Tây nên vẫn vắng, ít được du khách Việt ghé ăn.
“Không có khách, vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng, nên tôi lại tiếp tục đóng cửa”, anh Hoài nói.
Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tuấn Dũng, cũng cho biết khách du lịch tới Khánh Hoà đa số là nội địa. Việc thiếu hai nguồn khách quốc tế trọng điểm là Nga và Trung Quốc khiến doanh thu sụt giảm, đòi hỏi đơn vị phải tính toán lại các chi phí cho phù hợp thực tế.
Mong khách cũ, tìm khách mới
Chờ đợi và kiếm nguồn khách mới là hai việc mà những người làm du lịch tại Khánh Hoà và Quảng Ninh đang làm. Nhưng họ vẫn loay hoay vì không biết phải chờ đến bao giờ và có một thực tế khó có thể tìm nguồn thay thế. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Năm 2019, khách Trung Quốc là nhóm đông nhất với 154 triệu lượt, chi tiêu 293 tỷ USD, bỏ xa du khách Mỹ (128 tỷ USD). Giai đoạn 2015-2019, nhóm này chiếm gần 35% lượng khách quốc tế vào Việt Nam mỗi năm.
“Họ vẫn thắt chặt biên giới do Covid-19 nên chúng tôi không có khách. Sau 2/9 không có khách Trung là căng lắm. Tàu bè lại nằm ngủ đông và chờ đợi mà thôi”, ông Văn Cường ở Hạ Long cho biết.
Một lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cũng nhận định: “Trong thời gian tới, không nguồn khách nào có thể bù đắp về số lượng khách Trung Quốc”.
Ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, cho hay hai thị trường quan trọng nói trên vẫn còn là “ẩn số”, chưa biết khi nào quay trở lại.
“Hết tháng 8 lượng khách trong nước thưa dần, các cơ sở lưu trú có rất nhiều phòng trống. Khách ít, số lượng phòng trống cao sẽ làm giảm giá phòng cũng như chất lượng phục vụ”, ông Nhựt cho biết.
Khách Ấn Độ đang là một giải pháp trước mắt, nhưng không thể ngay lập tức có được số lượng lớn. Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, thời gian qua tỉnh định hướng phát triển đa dạng nguồn khách quốc tế, xúc tiến mạnh thị trường Ấn Độ và Hàn Quốc.
“Ngành du lịch tỉnh đang tiếp cận nguồn khách và các sản phẩm du lịch một số nước. Nếu thị trường nào có tiềm năng thì sẽ tiếp tục quảng bá”, bà Thanh nói. Dù vậy bà Thanh thừa nhận để khai thác tốt thị trường này cần thời gian, sự chuẩn bị kỹ, đồng thời có chính sách kịp thời.
Trước dịch, khách Ấn Độ đến Việt Nam gần 170.000 người và hiện đứng thứ 16 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Ấn Độ có hơn 1,3 tỷ dân nhưng việc khai thác thị trường này chưa triệt để. Từ khi Việt Nam mở cửa du lịch, khách Ấn Độ đạt mức cao nhất vào tháng 7 với hơn 11.700 lượt.
Quảng Ninh cũng đang cố gắng kích cầu bằng các hoạt động hướng tới khách nội địa và Ấn Độ. Mới đây, đoàn đầu tiên sau dịch gồm các hãng lữ hành, hàng không và truyền thông Ấn Độ đã đến khảo sát sản phẩm nghỉ dưỡng trên vịnh Hạ Long. Trải nghiệm từ chuyến đi là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch Ấn định hướng thị trường, đưa khách đến Quảng Ninh.
Đại diện Sở Du lịch cũng cho biết cùng với Ấn Độ, du khách từ khu vực ASEAN cũng là hướng phát triển của Quảng Ninh thời gian tới, bên cạnh các thị trường truyền thống như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo VnExpress | Link bài gốc
Comments