Đến năm 2025, lượng khách du lịch quốc tế đến tỉnh Khánh Hòa dự kiến bằng 1/3 cả nước. Đây được xem là thử thách rất lớn cho tỉnh.

Tỉnh Khánh Hòa tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gồm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch di sản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; phát triển các ngành, nghề phụ trợ và liên kết các tuyến du lịch liên vùng.

Khách du lịch đạt 11 triệu lượt đến năm 2025, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và khách nội địa khoảng 6 triệu lượt khách.

Khách du lịch đạt 15,4 triệu lượt vào năm 2030 gồm 8,05 triệu lượt khách quốc tế và 7,35 triệu lượt khách nội địa.

Đây là một trong những mục tiêu của Chương trình hành động của Chính Phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa được ban hành.

So với mục tiêu trong Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2026 mà Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch mới trình Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025, lượng khách du lịch quốc tế đến tỉnh Khánh Hòa dự kiến bằng 1/3 cả nước. Đây được xem là thử thách rất lớn cho tỉnh.

Trong khi đó, mục tiêu thu hút lượng khách du lịch nội địa đến tỉnh lại khá khiêm tốn so với con số 75 – 80 triệu lượng khách trên cả nước mà bộ đã đưa ra.

Thời điểm trước khi có dịch Covid-19, năm 2019, tổng số du khách đến Khánh Hòa lưu trú đạt 7 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, bằng 19% cả nước. Doanh thu du lịch đạt 27.100 tỷ đồng.

Theo Chương trình hành động mới ban hành, Nha Trang được phát triển thành đô thị du lịch; Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia; khu vực Bắc Vân Phong là đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, liên kết khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Đưa thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch Đông Nam Á

Do đó, tỉnh cần chú trọng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh và du lịch chăm sóc sức khỏe.

Đồng thời có giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, tái cơ cấu du lịch sau đại dịch Covid-19 để thu hút nguồn khách trong nước và quốc tế, đa dạng các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế có chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững.

Hoạt động du lịch được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dựa trên nền tảng kinh tế số để đột phá về phương thức quản lý, điều hành hoạt động du lịch.

Hình thành các tuyến du lịch liên vùng, cả nước thu hút khách du lịch từ các thị trường khách lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ khách du lịch.

Cụ thể, tỉnh tăng cường tăng cường hợp tác với tỉnh Phú Yên trong phát triển khu vực Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa, hợp tác phát triển giữa Khu Kinh tế Nam Phú Yên và Khu Kinh tế Vân Phong, kết nối sân bay Tuy Hòa với Khu Kinh tế Vân Phong; hợp tác với tỉnh Đắk Lắk để phát huy tối đa hiệu quả tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa trong phát triển du lịch, giao thương, sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản…

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP.HCM nhằm quảng bá thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa; xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại các sản phẩm của Khánh Hòa.

Về quy hoạch vùng, phát triển hệ thống đô thị ven biển là động lực tăng trưởng chủ yếu, trong đó xây dựng thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics; huyện Cam Lâm trở thành thành phố sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Theo Theleader | Link bài gốc

TAGS