Kể rằng ngày trước món bún nước được các lò bún tạo ra để phục vụ tầng lớp lao động nghèo. Họ tận dụng nước vặn bún làm nước dùng, sau đó thêm vài muỗng gia vị trực tiếp vào tô, chan nước, rắc hành là thành món.

Ngày nay, bún nước vẫn giữ nguyên được cái cốt lõi đó nhưng đã được thêm thắt ít nhiều. Như trong hình các bạn đang xem, có thể gọi là phiên bản “luxury” của nó. Phiên bản này được dọn theo kiểu ăn chung: chung bún, chung nước dùng, chung rau, chung cá. Ai ăn bao nhiêu thì tự gắp bỏ vào chén mình bấy nhiêu.

bún nước cô bé nha trang

Cá thu ngừ được nấu trong một nồi riêng (kiểu như nấu ngọt). Ai yêu cầu thì mới thêm. Ăn tô riêng thì người ta cho trực tiếp vào tô, ăn chung như P thì bỏ ra cho mọi người cùng gắp. Cá có phần mình và phần đầu. Phần đầu thì mắc hơn chút, giá 40 ngàn. Phần mình thì cắt lát, bán nhiêu P hông hỏi, nhớ là chị chủ nói thường một lát chia làm đôi, chứ một tô một lát thì nhiều lắm, người ta ăn không hết.

Ngoài cá ra thì “phiên bản luxury” còn có chả lụa ớt xiêm xanh. Chả này làm theo kiểu đặc trưng của chả Thành (Diên Khánh). Cay cay, dai dai, ngon mà cũng rẻ òm, có 10 ngàn một lát à. Ba người ăn hai lát là quá trời luôn. Chả này so với khẩu vị của P (và so với cả chả Bắc) là hơi ngọt, vậy nên khi ăn sẽ chấm thêm chút muối.

bún nước nha trang
bún nước cô bé nha trang

Đó, phiên bản luxury nó như vậy đó. Còn phiên bản gốc thì chỉ có nước dùng, bún tươi, gia vị, hành lá mà thôi. Nồi nước dùng là nồi nước vặn bún, trong đó sẽ có chút vị chua, chút vị ngọt từ sợi bún gạo tiết ra chứ không có nêm nếm gì hết trọi. Gia vị (bột nêm, bột ớt, và một loại mắm khá đặc biệt) sẽ được người đứng bếp thêm thẳng vào tô rồi chan nước vào. Sau cùng phủ lên trên thiệt nhiều hành lá xắt nhỏ. Một tô như vậy bình thường sẽ có giá 10 ngàn!

Nghe thì có vẻ đơn giản vậy thôi chứ không phải ai muốn bán bún nước là bán được vì phải là nhà có lò bún mới có cái nước dùng độc đáo này. Cũng chỉ có nhà làm bún mới cho ra được mẻ bún tươi mềm ngon tuyệt diệu ăn liền ngay lập tức. Sợi bún nhỏ, thon, mảnh, dai, mướt rượt quyện với nước dùng ăn đã lắm. Thật sự là nếu mua bún chợ về bỏ vô thì chắc nó sẽ trớt quớt, hổng ra chút xíu đặc trưng nào. Nhớ, phải là bún mới ra lò, ngon hơn tỉ lần các loại bún khô khốc ngoài kia!!

bún nước cô bé diên phú

>> Xem thêm: Đặc sản Nha Trang

Bún nước ở một số quán khác còn có tên gọi là bún é vì rau ăn kèm là lá é trắng và muối để tự khách nêm cũng là muối é. É trắng là loại é đặc biệt của miền Trung và Tây Nguyên với mùi thơm độc đáo và khi ăn sống sẽ có chút đắng nhẹ. Để loại bỏ vị đắng và làm dậy mùi hơn các bạn có thể nhờ chủ quán trụng là é với nước dùng sau đó cho vào tô bún ăn sẽ thấy cực kì thơm ngon!!!!

Gia vị đi kèm trên mỗi bàn ăn sẽ gồm muối é, mắm đỏ (P không biết mắm làm từ gì mà nó đỏ au nên tạm gọi thế) và bột ớt khô. Ai ăn đậm, ăn nhạt gì thì tự thêm cho vừa vị. P thì thấy nước dùng hơi ngọt nên có nêm thêm muối é và vắt chanh cho cân bằng!

Quán P ăn ở Diên Phú tên là quán Cô Bé (quán không có biển hiệu). Bún nước Cô Bé có được cỡ 30 năm rồi. Quán mở ngay trong khoảng sân rộng trước nhà kiểu gần gũi. Nhìn khách tới ăn giống như là hàng xóm qua nhà nhau ăn đám tiệc chứ không giống đi ăn hàng. Quán còn chu đáo để cả bàn trà đá và trà nóng cho thực khách giải khát.

Thấy tụi P có vẻ hiếu kì nên anh chị chủ nhiệt tình với bọn P lắm, giải thích đủ thứ, nhất là cụ bà trong hình, dễ thương cực. Hơn 80 rồi đó, nhìn minh mẫn và đẹp lão lắm luôn 🙂 .

bún nước nha trang

Quán mở từ 5h sáng đến 9h sáng mỗi ngày. Rằm hay mùng một gì đều mở. P đi sáng thứ Hai tầm 6h sáng lúc quán chưa đông lắm nên mới có thời gian đàm đạo, hỏi nọ hỏi kia. Chứ nghe đồn nếu đi chủ nhật thì kín cả 07 bàn, đôi khi còn phải đứng đợi.

Quán này P suggest cho người địa phương vì hơi xa trung tâm và vì cũng khá chắc chắn nhiều người Nha Trang chưa biết tới. Tuy nhiên đối với các bạn du khách ưa khám phá văn hóa, ẩm thực và những trải nghiệm mới lạ thì P cũng mời thử. Riêng bạn nào đã từng ăn qua bún quậy ở Phú Quốc cũng sẽ thấy nó có nhiều nét tương đồng 🙂 

Hướng dẫn đường đi: Trung tâm Nha Trang >> đường 23/ 10 >> Bưu Điện ngã 03 Thành rẽ phải >> Qua cầu Thành >>  qua chợ Diên Phú chút xíu thấy hẻm nhỏ rẽ phải >> đường Cây Da >> ngã ba đầu tiên rẽ trái >> đường Bưu Điện >> nhà số 34

BÚN NƯỚC CÔ BÉ – DIÊN PHÚ
– Địa chỉ: 34 đường Bưu Điện, Diên Phú, Diên Khánh
(Lưu ý: Review được thực hiện vào tháng 07/ 2020)

Bản quyền nội dung và hình ảnh được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức

TAGS