Nếu bạn nghèo khổ, giả cả, bệnh tật mà lại còn thất tình nữa thì đừng đến Hà Giang, Phương thật!!!
PHẦN 01: KHỞI ĐẦU HÃM L… À MÀ THÔI!!!
Chưa bao giờ tôi bước lên máy bay mà kiệt sức đến vậy. Hai ngày liên tiếp làm quần quật từ 8h30 sáng đến 8h30 tối, ngày cuối xong việc lao thẳng ra sân bay cũng đã thấy đồng hồ chỉ quá 10h. Chờ đợi check-in, delay các kiểu đến lúc boarding cũng đã nửa đêm. Cái lạnh của phòng chờ sân bay Cam Ranh hầu như đã rút hết chút sức lực cuối cùng, khiến người tôi bắt đầu lên cơn sốt và choáng. Định bụng một giấc ngủ ngắn trên máy bay lúc này sẽ giúp tôi phần nào hồi phục được sức lực. Gì chứ chờ máy bay và ngủ chớp nhoáng tôi đây rất thạo vì đã thử nhiều lần.
Vậy mà người tính không bằng trời tính. Tôi phát hiện ra hình như mình có khả năng siêu nhiên là lúc check-in nhìn ai có vẻ hãm hãm muốn né ra thì y như rằng lúc lên máy bay, người đó sẽ ngồi đâu đó gần tôi, kì này chính xác là ngồi ghế ngay sau ghế của tôi. Người mà tôi thấy hãm đó lúc này tháo giày ra, gác hẳn cmn chân lên tay vịn ghế của tôi, thỉnh thoảng thấy có vẻ như vậy là chưa đủ kinh khủng, hắn ta còn nhịp nhịp làm lưng ghế của tôi nhảy theo điệu nhạc. Nhưng các bạn ạ, tôi hèn vcl ra, nhìn bản mặt trâu ngựa của hắn ta tôi không dám lên tiếng, và đáng buồn hơn là mấy em tiếp viên của VietJet cũng thế, mấy em thấy nhưng cũng ngó lơ. Thế là thôi, tôi ngậm bồ hòn làm ngọt, sống chung với cái chân bẩn của thằng trâu ngựa ấy 60 phút hơn. Vậy mà vẫn chưa hết, khi máy bay vừa đáp xuống đường băng và còn đang trong quá trình hãm tốc, hắn ta đã lôi điện thoại ra gọi ý ới. Đại ý là: mày ở đâu đấy, cử người ra đón anh chưa, mày lấy bao nhiêu tiền đấy, mày mà lấy đắt là anh đánh vỡ mồm mày… Đấy, kinh tởm
Thoát khỏi cái máy bay VietJet có thằng trâu ngựa chân bẩn, ngồi sân bay chờ trời sáng hết mấy tiếng thì sau đó tôi lại rơi vào tay thằng lái taxi dâm dê. Nó lái xe mà nó đòi cho anh nắm tay một cái, rồi cho anh ôm một cái, rồi thì cả mời mọc hay em dựa vào vai anh đi cho đỡ mệt để xem trai Bắc và trai Nam khác gì nhau, hay anh chở em đi Hà Giang nhé, anh chở em đi uống nước nhé, anh chở em đi ăn sáng nhé, không muộn giờ hẹn với các bạn em đâu …blah…blah… Tộ xư nó, tộ xư tôi, tôi ăn ở được lắm mà, sao trong cùng một đêm lại va phải hai đứa trời đất thế này. Tôi đi Nam rầm rầm chưa bao giờ bị, lâu lâu đi Bắc bị hù sợ cmn vl ra. Giở hết tất cả các trò, các mánh tôi mới về được tới hostel của đoàn an toàn. Trả xong tiền cho thằng dâm dê đó xong, tôi mới hoàn hồn quẩy đít bỏ đi, chứ mà tối đó bị hấp diêm chắc hận ghê lắm!!! Đời tôi chỉ đi hấp diêm người ta chứ chưa để bị người ta hấp diêm ngược lần nào…
PHẦN 02: KHÔNG NGỦM Ở TAM SƠN
Tam Sơn là ở mô? Xin thưa nó là thị trấn của huyện Quản Bạ – tỉnh Hà Giang các bạn ạ. Sau khi check in điểm mốc số 0 ở thành phố Hà Giang, dừng lại sống ảo ở cái dốc Bắc Sum (ngoài này đèo chỉ để dành riêng cho những con đường vượt qua 2 ngọn núi trở lên, chứ mà vượt qua 1 ngọn thôi thì nó gọi là dốc hết. Ok thì dốc, nhập gia tùy tục vại), uống trà nóng ăn khoai lang nướng ở cổng trời Quản Bạ, và chụp dzú…à không chụp Núi Đôi xong thì đoàn dừng chân nghỉ đêm ở thị trấn Tam Sơn.
Trời vừa sụp tối là sương rải đều trên từng milimet không khí, lạnh tê tái teo hết cả tất cả những thứ có khả năng teo. Mò đến được khách sạn, vào được phòng, ngã được lưng lên chiếc giường êm ái lúc này quả thật là thiên đường. Nhẩm tới nhẩm lui thì cũng hơn 20h rồi tôi mới được nằm thẳng cả người như vậy. Bữa tối ngon với đồ ăn lạ miệng ở một quán cơm gần đó đã cứu rỗi linh hồn tôi thêm một xíu. Ly trà gừng mật ong trong quán café mang tên rất oách Highland cứu thêm xíu nữa là thành hai xíu. Thuốc hạ sốt giảm ho và nước nóng cứu hai xíu nữa là bốn. Và sau cùng chăn êm đệm ấm và con bé cùng phòng ngọt ngào mời gọi tôi sang ngủ chung giường với ẻm cứu thêm phát cuối cùng là năm. Với năm cái xíu đó tôi tự tin và tràn trề hi vọng rằng sáng mai ngủ dậy sẽ là một bình minh tươi hồng, tôi sẽ lại khỏe như văm và tràn trề sinh lực. Hoặc chí ít là sẽ không cù rũ nửa ngất nửa ngủ như nguyên ngày hôm nay. Vậy mà, trời thêm một lần nữa không chìu lòng người. Tôi chợt đau nặng hơn, ngay trong đêm…
Sau khi tắm xong và chuẩn bị leo vào chuồng chung với em gà 9x xinh tươi mơn mởn đến từ Bến Tre, tôi bị một cơn ho kéo tới hấp diêm một cách man rợ. Sau khi hoàn hồn thì cảm thấy mạn sườn trái phía sau của mình đau kinh khủng mỗi lần hít thở sâu. Tôi bắt đầu hoảng và suýt nữa thì khóc, với cái điện thoại định nhắn tin cho anh thì hỡi ơi, chúng tôi vừa chia tay được hơn chục ngày trước đó. Từ từ nằm xuống, nghiêng hẳn người sang bên phải và hầu như không đổi tư thế suốt đêm, tôi cố gắng thở nhẹ nhất có thể để không bị đau nhưng làm sao tránh khỏi. Mỗi lần họ mạn sườn lại nhói lên, nước mắt cứ thế ri rỉ chảy, phần vì mệt, phần vì thương thân. Khóc chán thì tôi rủa thầm tên anh, đổ hết mọi khổ sở lúc này lên anh và tôi thề tôi mà ngỏe trong đêm nay thì tôi sẽ hiện về tôi ám. May cho anh, sáng mai thức dậy cơn đau tối qua biến mất như chưa từng có, còn sót lại mỗi sốt và ho. Xem như số anh còn hên!!!
PHẦN 03: TAM GIÁC MẠCH EM ĐÃ BÓ THÀNH HOA CƯỚI… MÌNH LẤY NHAU ĐI!!
Tiêu đề này hoàn toàn không liên quan gì tới trạng thái hôn nhân hay đồng nghĩa với việc tôi muốn lấy chồng, có dự tính lấy chồng. Chẳng qua là thấy tụi trẻ con chỗ vườn hoa bó tam giác mạch thành từng bó cầm tay, điểm thêm một viền lá dương xỉ chung quanh y xì hoa cưới nên tôi bất chợt viết ra như thế.
Nói về tam giác mạch thì thề có ông mặt trời, nếu tách riêng một cái bông ra xong rồi đưa cho tôi, hỏi tôi bông này đẹp không, tôi thật thà nhỏ nhẹ lỏn lẻn trả lời là không đẹp. Thế nếu để cả cánh đồng thì sao, thì tôi thưa rằng trông cũng được được, cũng hay hay. Còn nếu bó thành hoa cưới như tôi mô tả ở trên thì tôi thật là sau này, nếu xui xui mà cưới, thì tôi sẽ muốn cầm một bó hoa cưới xinh xinh như thế (nhưng vặt bỏ mấy cái lá dương xỉ đi, nhé). Bọn trẻ con người đồng bào trên này rất khéo tay, chúng có thể tếch tam giác mạch thành những vòng hoa đội đầu hay bó hoa cưới rất lãng mạn, chỉnh chu và đầy tính thẩm mỹ. Nhưng hoa này ấy à, không phải tếch chơi đâu, bọn nhóc ấy tết để cho thuê hẳn hoi. Mấy anh mấy chị muốn sống ảo thì thuê của mấy em nó, mấy em nó không ra giá chụp xong tùy lòng hảo tâm các chị cho nhiêu em nó lấy nhiêu. Thôi thì cuộc sống mà, có cầu ắt sẽ có cung, hoặc cung nó tạo ra cầu, sao cũng được miễn đôi bên cùng vui 😛
Hoa thì có thể thuê hoặc không, nhưng vào vườn thì nhất định phải giả tiền 10k/ người, không giả là cụ bà người dân tộc sẽ nhất quyết không cho vào hehe. Tam giác mạch ấy mà, ngày xưa chỉ trồng như kiểu người xuôi trồng đậu, trồng lạc, là một kiểu cây nông sản chứ bây giờ, khi check-in với loài hoa này trở thành một kiểu must-do khi đến Hà Giang thì người ta trồng thêm để kinh doanh cũng là một chuyện không phải lạ. Cơ mà cũng vui các bạn ạ, nếu chỉ có cái vườn hoa với bà cụ thôi thì tôi thấy đã đủ vui, đằng này lại có thêm bọn trẻ nên tôi thấy nó vừa vui vừa đẹp. Hoa không thì hơi nhạt nhưng có hơi người vào nó đậm sắc lên ngay 😛
PHẦN 04: NHÀ TRÌNH TƯỜNG NAY CÒN KHÔNG?
Ai có dịp lên cao nguyên đá thì chắc cũng đã tìm hiểu sơ qua về nhà trình tường của người Mông ở Hà Giang. Nói cho đơn giản và dễ hiểu thì nhà trình tường là nhà vách đất, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Theo tôi biết trước đây nếu đi theo quốc lộ 4C tức Con Đường Hạnh Phúc (đúng là hạnh phúc thật, nhất là với mấy đứa hay bị say xe) theo cung Hà Giang >> Yên Minh >> Đồng Văn >> Mèo Vạc thì sẽ được dịp thưởng thức những ngôi nhà trình tường dọc hai bên đường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhà trình tường bây giờ còn rất ít các bạn ạ, đa phần những ngôi nhà tôi thấy dọc theo tuyến đường này xây bằng gạch xi măng. Còn nhà trình tường xịn thì nó nằm xa tắp mù tít, đâu đó giữa những cánh đồng đá tai mèo hay cheo leo giữa một cái nương, cái đồi cô liu quạnh quẽ, hơi khó tiếp cận nếu như bạn đi theo tour, theo đoàn, và đi bằng ô tô như tôi. Sở dĩ tôi biết được là vì tôi mang theo mình một cái máy ảnh có len tele nhìn xa xa xa được, dù không chụp gì mấy nhưng tôi vẫn hay dùng nó như một thể loại ống nhòm.
Vậy đi theo đoàn, đi tour như tôi thì xem nhà trình tường ở đâu? Trả lời rằng là vào “Nhà của Pao” nhé. “Nhà của Pao” nằm trong làng văn hóa Lũng Cẩm (Sủng Là, Đồng Văn), sau khi được chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim cùng tên thì làng này trở thành điểm tham quan du lịch hot hit của Hà Giang luôn. Đường vào ngôi làng bằng xi măng, hai bên là ruộng cải trắng, cải vàng nở hoa tung tóe, rực rỡ hết phần của thiên hạ. Đã vậy còn có hai hàng cây trụi lá, lên hình nhìn thơ mộng dã man.
Đi sâu vô bên trong là nhà của ông Mua Súa Páo, một căn nhà trình tường xịn sò với vách đất, cửa gỗ và dãy hàng rào đá được xếp thủ công vô cùng vi diệu (chỉ đá với đá thôi nhé, không dùng thêm bất kì chất kết dính nào, thấy tài không. Tôi thử chạm vào rồi, vững lắm, không đổ). Căn nhà này hình chữ U, có gác, vách đất, mái lợp ngói âm dương, cửa và rường cột đều làm bằng gỗ, khoảnh sân ở giữa nhà thì lát đá khối, bày ít củ cải đỏ và cái cối xay đá. Gian bên phải và ở giữa thì để ở, còn gian bên trái là nơi nuôi bò và gà. Nói chung nhìn mộc mạc và hay hay.
Chủ nhà có vẻ quen với việc khách du lịch ra ra vào vào, xem xem xét xét nhà của họ với những con mắt tò mò nên cũng không có phản ứng gì, chúng tôi muốn chụp ảnh hay tham quan đều được. Ngoài ra, gia chủ còn “điều” hai cu con ra ngồi trước cửa thổi khèn cho chúng tôi nghe nhưng có vẻ ăn ku con không mặn mà gì, thổi mà mặt không vui cho lắm hihi. Chắc khách ra vô nhiều, thổi miết cũng mệt. À, trước cổng nhà còn để mấy gùi hoa cải, tôi hí hửng đeo thử thì thấy chu cha ơi nó nặng, siêu nặng luôn, không biết bỏ gì trong đó. Đeo xong thấy có cụ bà người Mông tới hỏi xin 10 nghìn ahihi
PHẦN 05: DINH NHÀ VƯƠNG và BẢN NHẠC TÌNH VANG LÊN KHÔNG ĐÚNG CHỖ
Dinh nhà Vương – Vương này là Vua Mèo, tức vua của tộc người Mèo (người H’Mông). Vị này ngày xưa nhờ buôn á phiện mà giàu nứt đố đổ vách xây được cái nhà to đẹp kinh dị (so với hồi đó), giờ cái nhà này đang bị tranh chấp giữa một bên là con cháu ổng, một bên là chính quyền hay sao ấy, nghe chán hem.
Cơ mà nếu đi Hà Giang theo tour, tuyến như tôi thì dù nghe chán cũng phải vào, vì vào rồi sẽ hết chán bởi trong này lên hình đẹp lắm, deep lắm, cả cái dinh thự to đùng toàn gỗ không. Thiệt sự nếu đặt vào bối cảnh thời đó thì cái dinh này quá sức hoành tráng lệ. Mỗi tội giờ lâu quá rồi, lại dọn hết bàn ghế chỉ để mỗi cái sườn nhà thôi nên nhìn hơi nát nát tí.
Tới dinh nhà Vương, ngoài ảnh ọt, tham quan tí chút thì việc ăn hàng là một chuyện nên làm. Bên Nhà Của Pao hơi ít hàng ăn chứ trước dinh nhà Vương là một khoảng sân rộng bát ngát, ở đó tiểu thương bày bán đủ loại sản vật của vùng đất này, trong đó thứ toy thích nhất là hạt óc chó. Rẻ má ôi mà ngon ba ôi luôn, nửa kí 100k hay sao ấy, mua về tha hồ mà nhai, nhai chán thì nấu sữa. Bổ béo thơm ngon không thể chê được. Ngoài ra còn có xiên que nướng và bánh tam giác mạch chiên, hơi bị được luôn.
Kể nghe, suốt mấy ngày bị ốm nhìn gớm gớm, mãi tới hôm ấy mới khỏe khỏe, mởn mởn tí cộng thêm hí hửng vì mua được đồ ăn, đăng băng băng lao đi thì nghe văng vẳng từ cái đài chết tiệt nào đó đang phát đúng cái bài tinh yêu ca của tôi và người cũ. Tộ xư, đùa nhau chắc, bộ thấy tôi bớt buồn tí là thần tình yêu không vừa ý hay sao mà đày đọa tấm thân tàn này. Cứ thêm một lời vang lên thì niềm vui mua được óc chó ngon của tôi nó giảm đi một chút, nghe hết một đoạn cho tới khi xe lăn bánh cái tôi quên cmn mất là mình vừa mua óc chó hay óc chó mua mình!!! Haizzz
PHẦN 06: SA MỘC ĐẸP VÔ CÙNG SAO NGƯỜI TA CHẲNG NHẮC VỀ EM
Dù cái dinh ở trên có chút hãm do tình huống thế cơ mà tôi lại rất thích nó, vì nó nằm giữa một rừng cây sa mộc lâu năm tuyệt đẹp, phải nói là rất đẹp luôn, vào ban ngày ấy, chứ ban đêm thì chắc nhìn hơi sợ ma.
Loại cây Sa Mộc này có hình dáng như mấy cây thông giả người ta bày bán ngoài tiệm, và đẹp hơn cây thông tỉ lần cả về form dáng lẫn màu sắc. Ai đi Hà Giang thích đá tai mèo chớ tôi bị đá tai mèo cào xướt mie cái mông với cái tay nên tôi chọn thích cây Sa Mộc cho sang, cho lành. Mà tự hỏi là cái cây này đẹp thế mà sao trong mấy tài liệu về Hà Giang k thấy ai viết nhỉ, thật bất công. Các bạn mà được chạy xe qua những con đường xuyên rừng sa mộc mới thấy được hết vẻ đẹp của nó. Phải nói là mê li rụng rốn, không biết diễn tả làm sao. Những hàng cây cao vút, đứng hiên ngang, vừa có cái thế dũng mãnh của cây thân gỗ, vừa có nét mềm mại của dòng lá kim, nhìn kiêu kì hết sức.
Sa Mộc thường mọc thành rừng, nhưng đôi khi chỉ dăm ba cây đứng một hàng chơ vơ giữa một đồng cải trắng, dưới tán cây là một mái nhà trình tường xám đen, khói bếp bốc lên thành luồng trắng bay là đà giữa cái lạnh của những ngày cuối năm. Tôi thích cái cảnh ấy cực nhưng xe cứ thế vun vút đi qua, chẳng thể ghi lại bằng hình ảnh nên cứ cố ghim nó trong đầu. Thôi thì chụp ảnh bằng mắt, lưu lại bằng trí nhớ và tả lại bằng cảm xúc chắc cũng chấp nhận được phải không?
PHẦN 07: DỐC THẨM MÃ VÀ TRẺ CON MIỀN NÚI
10 người đi Hà Giang thì hết 9 người rưỡi chụp ảnh check-in ở con dốc Thẩm Mã. Dĩ nhiên là tôi không thuộc cái rưỡi còn lại. Con dốc này công nhận là quá đẹp, chắc vì sau khi xây xong, thấy đẹp quá nên người ta xây thêm cái trạm dừng chân ở đỉnh dốc luôn chăng? Có thể lắm
Từ cái đỉnh này du khách có thể thấy hết cả chiều dài con dốc và cả những đường cong mềm mại của nó (cái này cong thật, mềm mại thật chứ không phải như cái đồ… à mà thôi). Mười người chụp hình thì sẽ đẹp hết 11 người. Cảnh đẹp mà người đang ốm không đẹp mấy như tôi lên còn đẹp mà.
Vì địa điểm này là nơi mọi người đều không thể bỏ qua, dù đi tour hay đi tự túc nên bọn trẻ con má tròn vo mắt ti hí trên này ngày nào cũng có mặt. Đứa bé thì trông bánh kẹo, đứa lớn thì gùi hoa làm nền cho mấy anh chị, cô chú chụp ảnh đổi lại ít tiền thưởng.
Bọn chúng nó má phính, đỏ hồng vì lạnh và đen nhẻm vì nắng và bụi. Có đứa mặt tươi cười hớn hở vì có nhiều khách ghé thăm là được nhiều tiền, nhưng cũng có đứa mặt mũi mệt mỏi vì phải diễn nhiều với các anh chị miền xuôi. Tôi tự hỏi chúng nó sáng nay ăn gì, rồi trưa nay ăn gì, giữa cái dốc ngoằn ngòeo này không có lấy một cái bóng nhà thì chúng sẽ nghỉ ngơi ở đâu, chiều tan “ca” đi bao lâu mới về được với mẹ.
Ở đó, ngoài những đứa trẻ hớn hở, còn có những đứa trẻ gương mặt trĩu buồn, ái ngại lùi về sau, không dám ra làm mẫu vì gùi hoa trên vai đã héo, cải đã không còn vàng, không còn rực rỡ như các bạn xung quanh. Những đứa trẻ đó mím môi, ánh mắt nửa nửa tự ti, nửa tủi thân và hiu hắt. Nhìn những cảnh đó thấy thật buồn, vừa buồn cho bọn trẻ, vừa buồn cho bản thân. Có lẽ chỉ là khác về hoàn cảnh, nhưng cái nhìn tủi thân và tự ti kia thì chẳng khác nhau chút nào. Thở dài một cái…
PHẦN 08: SÔNG NHO QUẾ và HẺM VỰC TU SẢN
Sông Nho Quế, con sông đẹp trứ danh của đất Hà Giang vào những ngày lạnh tê người như này vẫn xanh một màu xanh không tưởng dù mờ đục khi nhìn từ trên cao vì sương mù. Thật khó có thể tưởng tưởng giữa một nơi cao ngất, núi đá còn nhiều hơn đất lại tồn tại một con sông đẹp đẽ đến nhường ấy chảy len lỏi.
Tôi sẽ không viết lại “lai lịch”, “tiểu sử” hay “các danh hiệu” mà con sông này đạt được vì google làm tốt việc này hơn tôi. Hôm nay chỉ đơn giản là khoe mẽ việc được ngồi trên một con thuyền máy cũ kĩ và trôi trên cái dòng xanh này đoạn chảy qua hẻm vực Tu Sản, gần nơi người ta chặn dòng con sông để làm thủy điện và biến nó trở thành một cái hồ lặng tờ và êm ru.
Nếu đi theo dạng tự túc thông thường, tôi dám chắc không quá nhiều người có cơ hội trekking men theo rìa núi đá để đến được cái “cầu tàu” dã chiến rộng chưa tới một mét vuông với cỏ xanh, đá xám và ít đất nhão để sau đó tiếp tục leo lên một cái xuồng máy cũ kĩ có mái vòng làm bằng tre. Và chính nó, cái xuồng cũ cũ ấy đã đưa chúng tôi lướt trên dòng sông xanh, len qua hai vách núi sừng sững cao đâu chừng 700, 800m gì đó thôi. Cái hẻm vực này người ta gọi là hẻm vực Tu Sản, là hẻm vực cao và sâu nhất Việt Nam, là “đệ nhất hùng quan” của đất Hà Giang này, là điểm sáng, là highlight của cung đường đèo Mã Pì Lèng lừng lẫy.
Trong cái khung cảnh ấy, tôi thích nhất việc tưởng tượng ra việc vào mùa xuân, khi nhiệt độ tăng lên và chút ấm áp về với miền đất này, hoa gạo sẽ nở triền miên dọc hai bên bờ sông Nho Quế, tôi sẽ được ngồi trên một chiếc bè kết bằng gỗ của ông lão đánh cá vừa thấy khi nãy, hoặc chí ít là thẩn thơ chèo một con kayak xịn sò dạo vòng quanh rồi neo lại dưới một tán cây nào đó…nằm ngủ. Nhưng bạn biết không, chỉ là tưởng tượng thôi đó, vì dù quí vùng đất này nhưng tôi biết ngày mà tôi trở lại đây chắc còn xa lắm. Mà nhiều khi cũng có thể là không bao giờ có thể quay lại được nữa cũng nên. Cuộc sống mà, rồi ai biết được cơm áo gạo tiền sẽ cuốn tôi về đâu… Hẹn với người còn chưa chắc giữ được, nói gì đến hẹn với đèo cao, sông sâu. Vậy nên thôi, không hẹn 🙂
PHẦN 09: NOEL LẠNH TEO NƠI CÓ TÊN HOMESTAY DU GIÀ
Bỏ qua đoạn viết về Cột Cờ Lũng Cú, vì tôi không có mấy cảm xúc khi đứng đây (đừng ai hỏi về cảm giác tự hào dân tộc hay gì gì đó nhé bởi tôi không thấy gì hết ngoài cảnh vật nhìn từ trên cao thì đèm đẹp và việc leo lên leo xuống làm tôi đói rã họng nên đã ăn 1 lúc hết 1 tô mì tôm to bao gồm 2 gói trong đó) – tôi nhảy cóc sang viết về Du Già luôn
Thật ra tôi có biết gì mấy về mảnh đất có tên là Du Già đâu ngoài việc ở đó có một cái homestay cùng tên – nơi cuối cùng tôi cũng đã thật sự có thể cười vì vui thay vì cười vì gượng trong suốt chặng hành trình. Vốn dĩ việc được ngủ trong một cái homestay là nhà sàn của người dân tộc, được ăn đồ ăn của người dân tộc, được ngồi nướng kiểu thịt nướng ngoài sân (chắc cũng) của người dân tộc đã đủ khiến tôi lâng lâng sung sướng. Đằng này lại còn trúng vào đêm noel, ít ra vào giây phút đó tôi đã cảm thấy mình đúng đắn khi đi trip lần này, dù trải nghiệm chưa thật sự sâu, cảm nhận chưa thật sự nhiều nhưng việc được bao bọc bởi cô gái nhỏ cùng phòng, được cảm thấy mình không cô đơn vào những ngày lễ lộc như này khiến tôi đỡ thê thảm hơn hẳn. Và đây cũng nơi những người bạn mới trong đoàn thật sự có cơ hội buông tay những chiếc smartphone, ngồi cũng nhau uống li café nóng hổi giữa buổi sáng lờ mờ sương ngóng mặt trời lên từ phía núi, hay vo vê hai bàn tay lạnh cóng đưa vào miệng thổi phù phù, chờ nghe anh chàng phía đối diện đang thở ra từng làn khói thuốc trắng, thẩn thơ kể lại câu chuyện tình đầu. Ở đó tôi lại có thêm một dịp để chiêm nghiệm sự đúng đắn của việc đừng đánh giá ai qua vẻ bề ngoài, không chỉ tôi mà trong mỗi người hiện hữu xung quanh tôi ai cũng đều có một chiến trường của riêng mình. Tôi cũng vậy…
Trong bài viết này tôi sẽ không review về homestay Du Già như thường lệ, không nói về cái phòng tắm đáng yêu đẹp như resort hay sự thân thiện của team nơi đây. Tôi chỉ đơn giản review lại cảm xúc của chính mình trong chưa đầy 12h lưu lại. Sẽ mãi là những kỉ niệm đáng nhớ khi ngủ đêm trong “gian phòng” có vách là những tấm vải mỏng, nghe gió lùa lạo xạo ngay dưới chân, bữa cơm đầm ấm và những chung rượu ngô cay bỏng lưỡi bên cạnh 02 người bạn cũ vô tình gặp lại giữa con đèo chữ M. Ngẫm, đời đôi khi chỉ xoay quanh một chữ duyên, có duyên thì dù không hẹn cũng gặp, hết duyên rồi có tìm cũng chẳng thể thấy nhau…
Comments