Colombo – thủ đô không hoa lệ, nơi tôi bắt đầu và kết thúc chặng hành trình 10 ngày trải nghiệm Sri Lanka nhiều gian khổ nhưng vô cùng thú vị của mình. Đến Colombo không khó nhưng rời đi chả dễ. Bởi đã trót thương trót nhớ hồ Beira xinh đẹp, cụ ông hiền lành với đôi mắt sáng như sao và thịnh tình của những người bạn cả quen lẫn lạ nơi đây!

VĂN MINH GIAO THÔNG COLOMBO

Colombo – Colombo City nằm ở phía tây đảo quốc trực thuộc Colombo District, Western Province là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất Sri Lanka, nơi đặt chân đầu tiên của hầu hết mọi du khách khi ghé thăm quốc gia này. Ấn tượng đầu tiên với Colombo nói riêng và Sri Lanka nói chung mà tôi muốn kể đó chính là phương tiện giao thông và ứng xử khi tham gia giao thông tại đây. 

Xe tuk tuk (hay còn có tên khác là richshaw) - một loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại Sri Lanka

Nếu ở Việt Nam xe máy là phương tiện chủ đạo thì ở đây ô tô là thủ lĩnh. Trên đường phố ngập tràn ô tô các kiểu, sau đó là xe tuk tuk, (hay còn có tên khác là richshaw), xe bus rồi mới tới xe máy.

Người dân lái xe phía bên trái và vô lăng trong xe ô tô nằm bên tay phải, trái ngược hoàn toàn với Việt Nam. Sở dĩ có thói quen này là do chịu ảnh hưởng của văn hóa Anh sau một thời gian dài làm thuộc địa. Tuy biết thông tin này từ trước nhưng khi trực tiếp tham gia giao thông (dù chỉ ngồi cho người ta chở đi), tôi mới thấy hết cái sự “khó chịu” khi lái xe ngược, ôm cua vòng xoay ngược, và lội bộ trên đường cũng ngược nốt. Một hai ngày đầu khi còn chưa quen thi thoảng cứ giật thót mình…

Các mẫu xe tay ga có vẻ không được ưa chuộng cho lắm, lác đác trên đường phố chỉ có vài chiếc mà thôi, đa phần người dân sử dụng xe mô tô nhìn rất oách xà lách. Phụ nữ cũng không mấy người lái xe, họ sử dụng tuk tuk, bus hoặc đi bộ. 

Mà nói về đi bộ thì siêu sướng. Tuy có hơi nắng nóng vì không có mái che dành cho người đi bộ như ở Singapore nhưng mỗi khi qua đường thì sướng không chịu được. Việc các phương tiện giao thông dừng đèn xanh đèn đỏ để người đi bộ sang đường thì quá bình thường, nhưng văn minh ở đây là xe ô tô, mô tô, tuk tuk, xe bus… dù đang lưu thông ngon trớn như nào đi chăng nữa mà thấy bạn đang sang đường hoặc có ý định sang đường (dĩ nhiên là phải đi đúng trong vạch qua đường dành cho người đi bộ nha) thì họ sẽ ngừng hẳn lại để cho bạn đi qua. Mỗi lần như vậy, tôi đều cảm thấy thật là “wow” và mười lần như chục tôi gật đầu chào, mặt nom rất hớn hở.

Ngoài ra để đảm bảo an toàn, ở đây còn có hệ thống cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ. Cầu vượt thì ở Việt Nam cũng có, chứ hầm thì hiếm (Nha Trang thì có cái hầm của Havana) Hầm chui ở đây như một nút giao thông ngầm dưới đất với nhiều lối đi và thường xuất hiện ở các giao lộ lớn. Phần trung tâm của hầm được dành để buôn bán như một cái chợ thu nhỏ, bạn có thể tìm thấy các gian hàng bán kem, nước uống, đồng hồ, kẹp cài… Ở những khu vực đông đúc thì còn có hẳn hàng rào ngăn cách phần đường dành cho xe cơ giới và phần vỉa hè cho người đi bộ nữa. Nói chung đi bộ ở đây cứ gọi là bao vui và yên tâm.

ĐỀN GANGARAMAYA VÀ CỤ ÔNG CÓ ĐÔI MẮT SÁNG

Trong những ngày đầu tiên tại đất nước hình giọt lệ, tôi ghé thăm một ngôi đền Phật Giáo có tên Gangaramaya Buddhist Temple nằm ở khu vực trung tâm thủ đô Colombo gần hồ Beira với giá vé vào cổng 300 rupee. 

Ngôi đền nằm nép mình bên một con đường rợp bóng cây, tuy không quá rộng nhưng chứa bên trong nó là những gian điện thờ uy nghi, bảo tàng, thư viện, các sảnh lớn nhỏ dùng làm nơi truyền dạy Phật giáo, phát chẩn và khu dành cho các sư nghỉ ngơi. Nơi đây tập trung một số lượng lớn các vật phẩm trưng bày, hình ảnh, tư liệu liên quan đến Phật Giáo từ khắp nơi trên thế giới, rất phong phú, đa dạng và thật sự choáng ngợp.

Tuy nhiên điều gây ấn tượng với tôi nhiều nhất không phải đến từ sự vật mà là từ con người – cụ ông trong bức ảnh bên dưới. Ông có đôi mắt sáng và trong veo nhìn như hai viên ngọc, màu da đặc trưng của người Sri Lanka và thần thái vô cùng đặc biệt. Ông nhiệt tình thuyết minh cho hai con bé Châu Á về nguồn gốc , ý nghĩa của từng bức tượng, từng cái ảnh hay mô hình trong phòng trưng bày bằng cả sự tự hào và tận tâm. Vì thích ông quá nên tôi chả thèm xem tượng mà chỉ tò tò đi theo ông, rồi xin ông cho chụp cái ảnh làm kỉ niệm. Cái này ra đời khi chụp lén nhưng lại là cái tôi thích nhất. Nhìn ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tận tụy với công việc vậy chắc chẳng ai nghĩ ông năm nay đã 89 tuổi rồi nhỉ?

Ngoài ngôi đền chính nằm trên đường Sri Jinarathana ra còn có một ngôi đền phụ được xây nổi trên hồ Beira cách đó tầm năm phút đi bộ tên là Seemamalakaya. Bên trong của đền không đặc sắc lắm, chỉ như một gian điện thờ nên tôi đã không dành nhiều thời gian ở đây. Tuy nhiên với cảnh sắc tuyệt đẹp của khu hồ Beira với mặt nước hồ xanh màu ngọc bích nổi bật bao quanh lấy khu đền bằng gỗ, bọc xung quanh là những bức tượng phật với nhiều tư thế được tạc rất kì công và tỉ mỉ thì nó hoàn toàn xứng đáng cho công sức của vài phút đi bộ 😉 

COLOMBO ĂN GÌ

Sugar Bistro & Wine Bar và bữa sáng với rau mồng tơi

Sau bữa ăn đậm mùi gia vị mà không rõ đó là món Sri Lanka hay Malaysia do Malindo Air cung cấp trên máy bay thì tôi đâm sợ (lúc này vẫn còn chưa quen). Vậy nên bữa sáng đầu tiên chúng tôi quyết định đi ăn món Tây cho dễ chịu.

Nơi cả bọn chọn là Sugar Bistro & Wine Bar nằm ngay sảnh khu vực tầng trệt của Crescat Boulevard – một trung tâm mua sắm cao cấp với đủ các mặt hàng và một khu ẩm thực (food court) nằm ở tầng hầm. Quán nhỏ nhắn nhưng có cả indoor seating và outdoor seating khá xinh. Khu indoor được bài trí trang nhã với những bức tường bằng kính trong khi khu outdoor được phủ xanh bởi những hàng cọ cảnh và sứ trắng.

Thời tiết ban ngày khá nắng nóng nên khách đến đều chọn ngồi bên trong để hưởng máy lạnh. Thực đơn sáng khá phong phú và giá cả hợp lí cho một nhà hàng thuộc khu sang chảnh như ở đây. 

Tôi gọi một phần trứng chần – poached eggs có giá 450 rupee bao gồm trứng, bánh mì tròn, ăn kèm với đậu hầm có vị ngòn ngọt. Mọi thứ sẽ không có gì lạ nếu như phần rau kẹp ăn kèm là xà lách hay bắp cải như thông thường, thay vào đó họ dùng rau…. mồng tơi đã chần sơ qua nước sôi. Hỏi ra mới biết bên này khá ít rau cỏ, và mồng tơi là một trong những loại phổ biến và dễ trồng nhất ở đây. Mà vị mồng tơi thì hồi giờ nấu canh, nhúng lẩu ăn còn được chớ ăn tái tái, lạnh lạnh kiểu này thì hơi ngộ vì nó cứ nhơn nhớt. Nhưng thôi cứ phải ăn hết vào bụng vì rau bên này quí hiếm các bạn ợ. Bỏ uổng lắm lắm ý. Lúc này bắt đầu thương nhớ đồ ăn Việt…

Ceylon City Hotel và món thịt bò dai nhất trần đời

Khách sạn mà tôi ở nằm trên phố Upatissa thuộc Colombo 04 có tên là Ceylon City Hotel. Trên tầng thượng của khách sạn có một nhà hàng nhỏ và đó là nơi tôi đã trả 1120 rupee cho một bữa trưa cùng ngày. Giờ nghĩ lại thấy thiệt là tiếc, Nhưng ngay lúc đó, được bỏ vào mồm bất kì cái gì có hương vị Việt cũng đều thấy sướng cả!

Sau khi cân nhắc tôi chọn Chinese Beef Steak. Đợi chờ mòn sau hơn 20 phút thì thức ăn cũng ra, mùi thơm phức và nhìn rất ư ngon lành. Lấy nĩa cắm một cọng cà rốt rồi quệt quệt tí nước sốt xong le lưỡi nếm nếm thì suýt xỉu, ôi ôi đúng là có phảng phất mùi đồ ăn Việt Nam. Mừng quá nên hăm hở, hối hả, hì hục cắt cắt cắt thịt bò, xong phát hiện nó cứng ngắc và dai nhách. Lần đầu tiên trong cuộc đời người con gái ăn xong đĩa bò mà 02 cái tay cầm dao nĩa bị đau luôn. Dù vất vả nhưng vẫn ráng ăn, ăn hết, trộn cơm với rau củ xào vô cái nước sốt ngon lành kia rồi cắm mặt ăn. Bò thì bỏ lại phân nửa hix hix.

Té ra thịt bò bên này rất đắt, rất hiếm và rất dở. Mới đầu tôi không tin nhưng sau khi đến Kandy, thành phố lớn thứ hai ở Sri Lanka, chui vào một cái nhà hàng cũng khá to trong 02 ngày liên tiếp mà vẫn không có thịt bò thì khi đó mới chấp nhận sự thật!!! Mà khổ cái ăn xong anh manager còn ra hỏi ý kiến. Đành phải thành thực khai nhận là nó dai quá ăn hơm nổi, nhưng cũng vớt vát là mùi vị rất ngon…!! Lúc về tới phòng rồi mới nhớ là do mải nói chuyện với ảnh mà quên uống nốt trái dừa còn dang dở. Tiếc ơi là tiếc!!!

Colombo có Phở

Mãi tận đến bữa tối ngày đầu tiên tôi mới được ăn một bữa no ra trò và thật đã đời tại Phở Việt Nam – nhà hàng món Việt đầu tiên và duy nhất ở Colombo (47 Thimbirigasyaya Road, Colombo 05). Tụi tôi đến đây theo lời mời ăn tối của cô chủ quán tên Nga, một cô gái gốc Bắc có thời gian 09 năm sinh sống và làm việc tại Sri Lanka. Nhà hàng của cô tuy nhỏ nhưng rất xinh xắn và nấu đúng kiểu Việt. Thú thật sang đây mà có đồ Việt để ăn chẳng khác nào bắt được vàng. Nào là mực xào, tôm sốt me, thịt ba chỉ nướng ngon nhức nách. Làm vừa ăn vừa tưởng đang còn ở Việt Nam!

Sau bữa ăn hôm âý tôi có quay lại lần nữa để dùng bữa tối trước khi lên máy bay và thưởng thức món phở Bắc cùng nộm bắp chuối khá ngon. Ngoài ra trong menu còn có bún bò Huế, bún nem, cơm rang, gỏi gà xé, hoành thánh, bún đậu mắm tôm…Nếu bạn ghé Colombo và chưa biết nên ăn món gì thì hãy nhớ là Colombo có Phở.

ĐI BAR CHO BIẾT VỊ BIA

Bia phổ biến nhất Sri Lanka là bia Lion (Lion Brewery) chiếm 80% sản lượng bia ở đất nước này (số liệu của Wikipedia). Vị rất dễ uống, túm lại là cũng na ná Sài Gòn nhà mình. Nhưng mà bên này, muốn uống bia không phải dễ. Tại các Wine Shop, bia được bán theo khung giờ qui định từ 9h sáng đến 9h tối, còn trong nhà hàng thì thường chỉ được bán sau 5h chiều.

Muốn mua đã khó, muốn bán còn khó hơn. Để được bán bia một cách hợp pháp thì các chủ nhà hàng, quán bar, tiệm ăn…phải xin giấy phép. Gía của cái giấy này lên tới cả triệu rupee, ai mà làm liều bán lậu bị phát hiện thì thôi rồi luôn, nó phạt chết cụ. Mà không riêng gì bia, ngay cả thuốc lá cũng thế, không phải bạ đâu bán đó, mua đâu được đó như ở Việt Nam. Tôi đã chứng kiến một anh tài xế tuk tuk phải chạy qua chạy lại rất nhiều cửa hàng mới mua được một bao thuốc. Mà ở đây, hút thuốc, uống rượu bia nơi công cộng là bị cấm tiệt!

Bảng thông báo không phục vụ thức uống có cồn từ 2h đến 5h chiều tại một nhà hàng nổi tiếng tại Colombo

Quán bar bọn tôi ghé có tên là Cheers Pub nằm trong Cinnamond Grand Hotel (Kollupitiya, Colombo 03) – một khách sạn thuộc Cinnamond Hotels & Resort Group, tập đoàn hàng đầu của Sri Lanka về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Có lẽ vì “gia thế” có số má nên nó mới mở cửa vào cái lúc 11h như này trong khi mấy chỗ khác hầu như đã tắt đèn đi ngủ khỏe. Quán trang trí khá Tây, nhân viên chuyên nghiệp và khách ở đây cư xử cũng lịch thiệp, chẳng thấy ai ăn to nói lớn. Quán dường như cũng chẳng mở nhạc to ồn ào, mà chỉ thấy trang bị TV để khách có thể vừa xem các trận cầu Cricket vừa uống beer. Thứ khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là đúng 12h khuya, đèn được bật sáng hơn, nhạc tắt, bà con tự biết thân biết phận mà lo phủi did đi dzìa ^.^ thật là qui củ dễ sợ!!!

SHOPPING MUÔN NĂM

Dutch Hospital Shopping Precinct

Khu shopping đầu tiên tôi đến là Dutch Hospital Shopping Precinct hay còn được biết đến với cái tên Old Colombo Dutch Hospital. Đây được xem là tòa nhà cổ nhất khu Colombo Fort được xây dựng bởi người Hà Lan trong thời gian họ cai trị đất nước này (1656-1796) tuy nhiên lại không ai biết chính xác nó được xây vào năm nào. Trên các giấy tờ, bản đồ do người Hà Lan để lại cũng thế, không có thông tin ngày tháng cụ thể. Người duy nhất xác nhận tòa nhà đã có từ những năm 1681 là một người Đức, ông Christoper Schweitzer. Hẳn nhiên như tên gọi, tòa nhà ban đầu được xây dựng để làm bệnh viện rồi sau đó được dùng vào nhiều mục đích khác nhau và ngày nay là một trong những khu mua sắm, ăn uống, giải trí lớn và sầm uất nhất Colombo. 

Tôi ghé thăm 02 gian hàng lớn ở đây là Luv-Sl-Odel, cửa hàng chuyên bán quà lưu niệm và Spa Ceylon Luxury Ayurveda, nơi bày bán các sản phẩm cao cấp về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ thiên nhiên. Gian hàng của Luv-Sl-Odel khá lớn với nhiều chủng loại hàng phong phú và đa dạng: quà lưu niệm, quần áo, khăn choàng, trang sức, phụ kiện…Tuy nằm ở một khu mua sắm sang chảnh nhưng giá cả ở đây lại khá dễ chịu, không đắt đỏ tí nào (trừ mấy con voi được chạm khắc tinh xảo). Rất đông khách du lịch và dân bản địa tìm đến địa chỉ này để shopping. Phải nói thêm là cửa hàng không cho phép khách chụp ảnh nhưng không đề bảng, tôi không biết nên giơ máy lên chụp như đúng rồi, sau đó thì có em nhân viên bảo là không được chụp hehe  Nói chung mua sắm ở Luv sướng 😉

Về Spa Ceylon Luxury Ayurveda thì đây là hệ thống Spa đắt đỏ và sang chảnh bậc nhất Sri Lanka, bạn nào có thời gian và ngân lượng thì nhớ thử. Tôi thì không có cả hai nên đành chịu. Ngoài dịch vụ spa thì nó còn bày bán rất nhiều các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên được đóng gói cực kì đẹp, có mùi cực kì thơm và giá cực kì đắt. Tôi nhìn thích mê đi được, tính mua một lọ be bé nhưng nhìn giá 25$ choáng váng mặt mày. Đúng là có khả năng mua thật nhưng cứ tiếc tiếc sao đấy nên quyết định ngó xong đi ra hehe.

Ngoài ra nếu ghé Dutch Hospital Shopping Precinct và có ngân sách rộng rãi, hãy ghé ăn Ministry of Crabs Restaurant – nhà hàng bán cua biển sống đầu tiên và duy nhất ở Sri Lanka, nghe đồn rất ngon và đáng đồng tiền =))) Xung quanh khu này còn có cửa hàng Burger King và Pizza Hut, bạn có thể ghé ăn.

Odel Department Store

Một khu shopping khác mà tôi có dịp ghé qua là Odel Department Store. Nhắc tới shopping mall, nhắc tới department store người dân ở đây sẽ nhớ tới ngay Odel. Luv-Sl mà tôi kể bên trên là một trong những chi nhánh của nó. Odel là một khu trung tâm thương mại qui tụ nhiều nhãn hàng trong nước lẫn ngoài nước. Tại đây, có rất nhiều các cửa hàng quần áo, trang sức, quà lưu niệm, phụ kiện, đồ dùng trong nhà, sách, các quầy hàng bánh kẹo, quầy bán trà, tiệm cà phê… cả Spa Ceylon cũng có một gian hàng tại khu này. Tôi rất thích mô hình của Odel, sang trọng và chuyên nghiệp như những khu trung tâm thương mại lớn ở các quốc gia giàu có khác. Tuy nhiên một vài nhân viên ở khu này mà tôi có cơ hội tiếp xúc thì không được thân thiện như những người Sri Lanka khác tôi biết. Odel có hệ thống cửa hàng trên khắp Sri Lanka.

Anusha Handicraft

Nhắc tới shopping thì không thể không nói một chút về Anusha Handicraft – một cửa hiệu nhỏ bán đồ thủ công mỹ nghệ nằm bên ngoài khu chợ Kollupitiya (Kollupitiya Market by Liberty Junction, Colombo 03). Đằng sau tấm cửa kính mỏng là một thế giới hoàn toàn khác, không nhiều màu sắc nhưng đầy mị lực.

Cả gian phòng hẹp được phủ kín bởi các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, từ các loại gỗ bình dân như dừa cho đến những loại cao cấp hơn, thứ có thể tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng khiến bạn mê mẩn. Trong gian phòng ấy kín đặc với hàng ngàn tượng phật lớn nhỏ với đủ kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Lẫn trong đó là tượng điêu khắc của voi, cú và nhiều loài vật khác nữa mà tôi không nhớ nổi. 

Nhưng ấn tượng nhất đó chính là những chiếc hộp bí mật bằng gỗ. Nó có vẻ bề ngoài như một chiếc hộp thông thường hay nằm dưới dạng bìa của một quyển sách, nhưng ẩn dấu bên trong là những khớp gỗ được ngụy trang khéo léo mà nếu không phải là chủ nhân của chúng thì bạn sẽ không tài nào mở ra được. Và mỗi chiếc hộp như thế lại ẩn chứa một bí mật khác nhau. Nếu muốn mua đồ gỗ làm quà lưu niệm thì Anusha là nơi bạn nên ghé đầu tiên, vì giá cả của nó khá mềm so với những mặt hàng cùng chủng loại được bày bán trong các trung tâm thương mại lớn.

Chợ Petta

Ngay đối diện nhà ga xe lửa Colombo là một khu chợ rộng kinh dị bán đủ thứ hầm bà lằng lộn xộn có tên là Petta. Hôm tôi đi không hiểu sao không thấy gì đặc sắc, như kiểu chợ qui tụ hàng Tàu ý, không khoái lắm. Nhưng bạn nào có sức và thích dạo chợ thì có thể ghé đây, cũng khá có tiếng. Bạn tôi bảo thường nó vui và lắm hàng hóa để mua, không hiểu sao hôm 02 đứa đi lại giở chứng thế. Dù sao đi đây cũng biết được là phụ nữ Sri Lanka không có bán hàng, 98% người bán là nam giới. Phụ nữ có ở quầy cũng chỉ là ngồi phụ chồng thôi, chớ không có bán chính. Có vẻ giai Sri Lanka không thích cho vợ mình ra đường cho lắm.

Tuy nhiên, đối diện khu chợ (tức là cùng phía với cái nhà ga, gần cây cầu vượt dành cho người đi bộ ) có 02 cửa hàng bán đồ da nhìn rất đã. Tất cả đều làm bằng da thật, ông chủ lấy bật lửa ra đốt thử cho bọn tôi xem, không thấy cháy hay bốc khói gì cả, nguyên cửa hàng tỏa ra một mùi hương từ da thuộc mà theo cảm nhận của mũi mình là rất quyến dzũ hehe. Ví to, ví nhỏ, túi đeo chéo, túi xách tay, balo, giỏ xách… ôi đã dã man, tôi mà còn chỗ trong 02 cái balo thì chắc mình đã ních vài cái bỏ vào. Lượn qua lại cho đã cuối cùng mua 01 cái túi đeo vai hình tròn be bé về làm quà, nhìn xinh phết phẩy luôn. Các anh, các chú bán hàng ở đây thì dễ thương khỏi nói, mỗi tội hét giá cao ngất ngưỡng. Cái túi ấy mấy ảnh hét 5000 rupee, xong sau đó bán cho tôi với giá ….800 rupee. Dã man quạ!!! Các ấy có đi mua hàng bên này nhớ trả giá, trừ siêu thị hoặc shopping mall ra thì mình để ý chỗ nào cũng trả giá được, giá niêm yết một đằng, giá bán một nẻo kaka

Và dĩ nhiên còn một nơi bạn cũng có thể mua sắm trước khi lên máy bay về nước đó là gian hàng miễn thuế ở sân bay quốc tế Bandaranaike. Và tại đây tôi đã mua 01 lố nước hoa cho mẹ và em gái cùng với áo cho ba. Và những thứ mình mua đó đều chả liên quan con khỉ gì đến Sri Lanka cả =)))) Về tới nhà mới thấy mình mua quà lãng nhách!!!

Bản quyền nội dung và hình ảnh được bảo vệ bởi DMCA. Vui lòng không sao chép, sử dụng dưới mọi hình thức

TAGS